Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Tín hiệu đột phá từ Quảng Ninh

Bài đăng trên mục Thời sự trong nước báo Người lao động




.

Quảng Ninh vốn nổi tiếng là tỉnh dẫn đầu cả nước về việc dành tỉ lệ ngân sách lớn nhất cho khoa học - công nghệ, nay lại là nơi chính thức kiến nghị hợp nhất một loạt cơ quan cấp ủy và chính quyền 

Tín hiệu đột phá từ Quảng Ninh 

Trong khi chờ trung ương cho chủ trương hợp nhất, Quảng Ninh đề xuất thực hiện chủ trương nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo quản lý cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, như Tổ chức - Nội vụ , Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra, Tuyên giáo - Thông tin truyền thông, trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ. Quảng Ninh còn kiến nghị thực hiện thí điểm bầu cử trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn...
Theo thiển nghĩ của người viết bài này, đề xuất của Quảng Ninh rất phù hợp, cần nhất thể hóa bộ máy của Đảng và các bộ phận nối dài với chính quyền (hành pháp). Song, nhất thể hóa vẫn chưa đủ mà cái gốc của vấn đề là vấn nạn phình biên chế của các bộ máy trong hệ thống chính trị.
Nước Mỹ có diện tích 9.826.630 km2, dân số 320 triệu người nhưng công chức chỉ 2,1 triệu người. Trong khi đó, Việt Nam chỉ rộng 331.210 km2, dân số chỉ 90 triệu nhưng số công chức lên đến 2,8 triệu người. Điều đó có nghĩa Mỹ chỉ cần 3/4 số công chức ở nước ta để quản lý, tổ chức, điều hành đất nước họ (chưa nói là điều hành cả thế giới). Cũng có nghĩa 160 người dân Mỹ chỉ nuôi 1 công chức, trong khi 40 người dân Việt Nam phải nuôi 1 công chức (chưa kể chuyện tham nhũng, sách nhiễu của giới này).
Đầu thập niên 1990, tôi đi khảo sát ở một xã của Thái Lan. Công chức, viên chức ăn lương nhà nước của họ chỉ gồm 5 cảnh sát, 2 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, 2 cán bộ y tế và toàn bộ giáo viên công lập. HĐND xã không có lương, chủ tịch chỉ hưởng trợ cấp từ ngân sách xã, hết nhiệm kỳ thì thôi.
Công chức Việt Nam, nói theo ngôn ngữ của người dân là đông đáng sợ! Thế nhưng, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 30% công chức Việt Nam chỉ hưởng lương chứ không làm việc. Họ không làm việc, hưởng mức lương bị cho là “còm” nhưng vẫn đầu tư tiền tỉ để mua chiếc ghế hưởng lương ấy (nhất là ở vị trí có thẩm quyền) và sống khỏe re, cũng có nghĩa là làm giàu nhanh nhất.
Trong lĩnh vực xã hội, đẳng thức thường phức tạp, khó giải hơn nhiều so với toán học. Phải chăng chính trị thống nhất lợi ích toàn dân nghĩa là tiến bộ, thắng lợi; còn chính trị vi phạm thống nhất lợi ích toàn dân, hậu quả là lạc hậu, thất bại?
Trên thế giới, chỉ có bộ máy các nước chuyên lo “quản lý xã hội” mới đẻ ra thật đông người. Vậy nên, chính trị (phương thức cai trị) phải lấy xã hội (dân tộc, cộng đồng) làm đích, làm chuẩn, nhất cử nhất động đều phải phụng sự cái đích tối thượng đó.
Đầu năm 2007, tôi đã viết bài “Suy nghĩ về cách tiếp cận và lộ trình cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam” - trong đó đề cập rõ cần phải nhất thể hóa, được trình bày báo cáo ở hội nghị cải cách hành chính toàn quốc tại Hà Nội.
Kiến nghị chính thức của Quảng Ninh là mệnh lệnh của cuộc sống, là xung lực để tỉnh này đột phá vươn lên. Không phải tình cờ mà cách đây khoảng 1 tháng, Hội đồng Lý luận trung ương cùng Tỉnh ủy - UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tổng kết việc thí điểm đổi mới thể chế chính trị trước tình hình mới.
Ở nước lớn như Trung Quốc, nhỏ như Lào, việc nhất thể hóa đã được thực hiện từ lâu. Việc nhất thể hóa các cơ quan Đảng, chính quyền và một số tổ chức cánh tay nối dài của Đảng ở Việt Nam là xu hướng hợp thời. Tuy nhiên, phải tiến hành quá trình này trên cơ sở mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa dân chủ trong Đảng và toàn xã hội.
Tô Văn Trường

Tôi nhận được phản hồi của vị trưởng thượng, xin chuyển tiếp chia sẻ với Anh/Chị nguyên văn như sau:
"Tôi rất tâm đắc với bài viết của Anh. Điều cần nhất lúc này là phải thể chế hoá việc "đảng lãnh đạo" cho cụ thể chứ không để chung chung như thế này thì không có cách nào tránh khỏi bị lạm dụng, biến thành đảng trị. Bỏ điều 4 trong Hiến pháp thì hiện nay chưa được, nhưng cần thể chế hoá điều đó, quy định cụ thể chẳng hạn Đảng được chỉ định một số ghế đa số (thậm chí 2/3) trong Quốc hội, để cho Đảng có vai trò một đảng cầm quyền, dựa vào đa số ở Quốc Hội. Số ghế còn lại (1/3 ?) phải được ứng cử, bầu cử hoàn toàn tự do. Như thế Quốc hội sẽ phản ảnh được tốt hơn nguyện vọng thật của dân, chứ không còn hình thức như lâu nay.
Ngoài việc đó ra thì mọi sự đều phải diễn ra đúng với vai trò Quôc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, như ở mọi nước dân chủ.
Đó là bước đầu tiên dân chủ hoá, tôi nghĩ là khả thi hơn là các kiến nghị lâu nay. Như thế cũng có nghĩa không còn hai bộ máy Đảng và chính quyền song song như hiện nay. Bộ máy của Đẩng sẽ do ngân sách của Đảng tự đài thọ, sẽ bớt khá nhiều hiện tượng quan liêu hiên nay và chống tham nhũng sẽ dễ dàng hơn và có cơ may thành công hơn" vv...
Tô Văn Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét