’Thách thức lớn nhất là cải cách thể chế’
(ĐVO) - Cải cách thể chế đang là đòi hỏi bức thiết nhất của Việt Nam nếu muốn vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại, theo các nhà kinh tế và các nhà quản trị doanh nghiệp.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói: “Thách thức lớn nhất ở Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề thể chế. Cải cách thể chế... mới là vấn đề then chốt nhất”.
Ông Thành đưa ra nhận định trên sau khi được hỏi về ít nhất ba ưu tiên quan trọng nhất để Việt Nam thoát ra khỏi tình thế khó khăn hiện nay tại hội thảo mang tên: “Việt nam - Giữ vững ổn định, tăng cường lợi thế cạnh tranh và gặt hái được các tiềm năng tăng trưởng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Ông giải thích, sau hơn 6 năm gia nhập WTO và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới sau hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương, Việt Nam ngày này đã trở nên cởi mở hơn, đa dạng hơn, và có nhiều ý kiến khác nhau hơn, song quá trình ra quyết định lại vẫn chậm trễ như cũ.
“Vì thế, cải cách thể chế để làm sao tăng cường tính minh bạch, khả năng giải trình là vấn đề quan trọng nhất”, ông Thành nói.
Cải cách khó nhất với Việt Nam là cải cách thể chế |
Cũng với câu hỏi trên của chủ toạ hội thảo, ông Dominic Scriven, Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital chia sẻ với ông Thành khi cho rằng Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội sửa Hiến pháp để giải quyết vấn đề thể chế.
Ông nói: “Việt Nam đang rất dũng cảm trong việc sửa đổi Hiến pháp. Đây là công việc không hề dễ dàng, nhưng lại là cơ hội rất tốt để Việt Nam giải quyết vấn đề như ông Thành nói”.
Ông nói: “Tôi đã ở đây hơn 20 năm, và nhận thấy sẽ là bi kịch nếu Việt Nam không nắm bắt được cơ hội khi sửa đổi Hiến pháp lần này”.
Liên quan đến những thách thức trước mắt, ông Thành bổ sung thêm hàng loạt những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt như thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, di dân, an sinh xã hội và biến đổi khí hậu, vốn đã được các đối tác phát triển như ADB, WB và Chính phủ xác định.
Trong khi đó, ông Alfred Chipke, Trưởng phòng vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF lại tỏ ra khá lạc quan về tình thế của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh toàn cầu đang bất định.
Ông nói: “Việt Nam không rơi vào tình thế bi kịch của một số quốc gia khác khi chỉ tăng trưởng bằng không, và nợ công tăng cao...”.
Hơn nữa, với tiềm năng kinh tế còn tốt, và nhân khẩu học đa dạng, nền kinh tế sẽ có cơ hội phát triển tốt trở lại, nếu Việt Nam ổn định được kinh tế vĩ mô, cải cách được khu vực doanh nghiệp nhà nước.
“Tôi nghĩ những thách thức của Việt Nam hiện nay không phải là không thể khắc phục được”, ông nói.
Trong khi đó, ông Dominic Scriven than phiền rằng, bản thân ông và các doanh nghiệp khác đang gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư tại đây.
Ông nói : “Dân kinh doanh chúng tôi đang rất bối rối… Thời gian 3-4 năm gần đây là giai đoạn tồi tệ nhất, khó khăn nhất trong vòng 20 năm tôi ở Việt Nam”.
Ông tiết lộ, bản thân quỹ Dragon Capital đang tính đến các phương án đầu tư sang Myanmar hay Thanh Đảo, Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Thành nhận xét, Việt Nam hiện nay đang “tham vọng nhất thế giới” khi tiến hành hàng loạt các mục tiêu như ổn định kinh tế vĩ mô trong khi lại phấn đấu tăng trưởng cao hơn; cải cách thể chế với 3 trụ cột chính là ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư công; tích cực đàm phát các hiệp định thương mại quốc tế; và cải cách chính trị thông qua sửa Hiến pháp.
Ông bày tỏ quan tâm: “Làm sao chúng tôi hài hoà được các chương trình cải cách kinh tế trong nước với tiến trình hội nhập trong bối cảnh nguồn lực rất hạn hẹp hiện nay?”.
Không có chuyên gia quốc tế nào tại hội thảo trả lời được băn khoăn này.
Hội thảo của NHNN và IMF quy tụ hàng loạt các chuyên gia trong nước và quốc tế, tập trung vào các chủ đề chính sách tiền tệ, thuế, doanh nghiệp nhà nước và tác động của kinh tế thế giới tới Việt Nam.
Theo TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét