Năm mươi năm nhìn lại
Đúng nửa Thế kỷ đã trôi qua, chúng tâ đều đã ở vào cái tuổi
“xưa nay hiếm”. Cũng có nhiều người bị ốm yếu bệnh tật, nhưng nói chung là vẫn
còn mạnh khỏe, minh mẫn. Riêng tôi, mấy năm trước cũng có lúc ốm nặng tưởng
không qua khỏi. Mà bây giờ khi bước sang tuổi 73 lại thấy mình khỏe mạnh bình
yên, không có điều gì phải buồn phiền lo lắng nên sống vui vẻ với con cháu và
bạn bè. Xác định là sẵn sang ra đi lúc nào cũng được vì đã “Lãi “ quá rồi, mà
còn sống ngày nào thì cứ sống cho vui vẻ và hạnh phúc ngày ấy.
Cũng như những người già khác, tôi hay nhớ lại những kỷ niệm
của những ngày đã qua. Hôm nay tôi muốn viết lại để chia sẻ với bạn bè nhân
ngày gặp mặt sắp tới của lớp mình.
Năm 1960, sau
khi tốt nghiệp lớp 10 tại trường Trưng Vương tôi được xếp vào danh sách đi học
Đại học ở nước ngoài. Sang trường Ngoại Ngữ bên Gia Lâm khám sức khỏe thì bị
đuổi về vì “ Pi nhê 52 “ cao quá.. Tôi được chuyển về học ở Khoa Điện, ngành Vô
Tuyến Điện của trường Đại Học Bách khoa Hà Nội theo nguyện vọng cá nhân. Tôi
vào lớp VTD 60. Gặp bạn bè, tôi thấy ai ai cũng vui vẻ phấn khởi và hết sức tự
hào vì đã thi đỗ vào đây nơi mà yêu cầu trình độ học vấn rất cao ( Thi Toán
loại A+). Tôi thấy lo cho mình quá. Sinh viên trong lớp gồm nhiều các anh bộ
đội được cử đi học, các anh đều đã lớn tuổi, ngoài ra là sinh viên từ các tỉnh
về nên hầu hết là ở nội trú, chỉ có một số ít có gia đình ở Hà Nội như tôi là ở
ngoại trú.
Nhà tôi ở phố Hàn Thuyên, ngày ngày đạp xe đi học rồi về nhà
với Ba, cuộc sống thật vui vẻ và hạnh phúc.
Kỳ thi đầu tiên tôi đạt kết quả tốt, chỉ có bài kiểm tra
Toán của thầy Thái Thanh sơn là điểm 4 (không có điểm 5) còn các môn khác đều
điểm 5.. Sau kỳ thi anh Nguyễn Ngọc Anh , Bí thư chi bộ bảo là tôi phải vào nội
trú ở để học cùng với mọi người, tôi chấp hành ngay.
Nữ trong lớp có 8 người : Hồng Nhật, Thúy Hòa, Xuân Dung, Hồng
Loan, Kim Cúc, Huệ Vương và tôi. Cúc và Loan thì vẫn ở ngoại trú, 6 đứa còn lại
ở trong một phòng, các bạn đều có học bổng, riêng tôi không có, tôi phải xin Ba
tôi tiền đem đến đóng tiền ăn. Tiền này được sử dụng làm tiền ăn sáng cho mọi
người. Buổi tối trước khi đi ngủ mọi người phải ghi vào một tờ giấy để trên bàn
món ăn sáng mà mình muốn ăn để trực nhật sẽ mua về. Cơm thì 6 người ăn 5 xuất
cũng đã đủ.
Hàng ngày vào buổi tối chúng tôi phải sang nhà nam để học
nhóm. Tôi học nhóm với anh Duyên và Phước Tơn. Tôi có tính hay buồn ngủ nên anh
Duyên đã chiếm luôn phòng xép bên cạnh cho nhóm tôi học để tôi tha hồ ngủ, khi
nào cần hỏi gì thì đánh thức tôi dậy.
Hồi đó học Đại học mà chẳng có tài liệu gì để xem thêm và
tham khảo ngoài giáo trình của thầy. ( giá mà có mạng Internet như bây giờ thì
thật là tuyệt ). Giáo trình của thầy thì tôi thấy sao mà dễ quá. Tôi có tính là
nghe bài giảng trên lớp rất chăm chú ghi chép bài rất đầy đủ gần như không
thiếu một câu một chữ nào vì vậy mà khi học thi rất thuận lợi..
Tôi thường đọc lại một lần toàn bộ giáo trình, lần thứ 2 thì
vừa đọc vừa ghi lại tên từng chương mục và từ lần sau là đã có thể thuyết trình
lại từ đầu đến cuối cả giáo trình.
Anh Quýnh là người rất thông mnh, học bài nhanh và hiểu bài
thấu đáo, nhưng anh bị bệnh đau đầu rất nặng nên hầu như trong các kỳ thi anh
không thể học ôn như mọi người.. Anh chỉ nằm trên giường trên, nhắm mắt lại để
chịu đau. Những lúc đó tôi thường đứng bên cạnh anh và đọc cho anh nghe từ đầu
đến cuối giáo trình môn phải thi. Thường chỉ cần đọc một lần thôi thế mà lúc
lên thì bắt được câu hỏi nào anh cũng đều trả lời được Kết thúc 4 năm học, khi
làm luấn án tốt nghiệp tôi được phân về Phòng Kỹ Thuật của Tổng cục Bưu Điện.
Thầy Phạm Văn Đương là người hướng dẫn của tôi. Thầy Phạm văn Đương có vợ người
Nga, thầy ít khi đến phòng làm việc mà thường cùng vợ đi phơi nắng, Đề tài thầy
giao cho tôi là : Nghiên cứu Thiết kế và chế tạo các mạch giao động cộng hưởng
dung Transistor. Tôi làm việc rất chăm chỉ và được các anh chị cán bộ trong
phòng kỹ thuật nhiệt tình giúp đỡ. Tôi đã thiết kế lắp ráp nhiều phương án khác
nhau, khảo sát hầu như tất cả các loại Transistor có ở phong thí nghiệm, tôi đã
cố gắng để có một bài luận văn tốt. Nhưng khi bảo vệ thì tôi chỉ được trình bầy
một bài ngắn gọn còn sau đó là phần
tranh cãi rất gay gắt giữa hai thầy : Phạm văn Đương và Dương văn Bẩy. Những
cuộc tranh luận như thế này thì tôi đã rất quen thuộc vì nó xẩy ra thường xuyên
trong mọi buổi sinh hoạt học thuật tại phòng Kỹ Thuật. Tôi chỉ có thể đứng nghe
mà không nói được gì. Cuối cùng tôi được nhận điểm 4 và vì vậy mà điểm trung
bình các môn trong cả 4 năm học của tôi là 4.8.
Ra trường, tôi nhận quyết định điều động đầu tiên là về
Phòng Kỹ Thuật Tổng cục Bưu Điện, nơi tôi đã làm luận văn tốt nghiệp. Nhưng sau
đó vì phải đổi cho Hồng Loan nên tôi được phân về dậy ở trường Trung cấp Bưu
Điện ở Hà Đông cùng với chị Hòa và anh Cát.
Tôi rất yêu nghề dậy học, hơn nữa trường lại rất gần Viện
Sốt Ret Ký Sinh trùng và Côn Trùng nơi Ba tôi sống và làm việc. Hàng ngày tôi
đạp xe đi học rồi về với Ba, cuộc sống thật vui và hạnh phúc.
Thời kỳ này giặc Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc rất ác
liệt. Trường Bưu Điện tổ chức một đoàn vào khảo sát tình hình thực tế tại vùng
biển miền Trung Diễn Châu, Nghệ An.
Máy bay ném bom liên tục ngày đêm. Các Ty Bưu Điện ở các
tỉnh đều được bổ xung các kỹ sư mới ra trường ( lớp ta và K6), chúng tôi thường
xuyên gọi điện cho nhau để biết tình hình của nhau.
Lúc này mong ước lớn nhất của tôi là được nhập ngũ, được
trực tiếp tham gia chiến đấu.
Không ngờ mơ ước đó đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Trở
về trường sau chuyến công tác thì tôi đã
thấy giấy triệu tập nhập ngủ ở đó. Trường Bưu Điện thì không đồng ý cho đi và
đã viết công văn xin giữ tôi ở lại với lý do là đã sắp xếp tôi làm giáo viên
cho hệ Đại học bắt đầu từ năm sau. Công văn được trả lời là : Quyết định động
viên đối với Sỹ quan dự bị thì cá nhân sỹ quan phải chấp hành, không thể chối
từ.
Điều này thì chúng tôi đều biết vì trong quá trình học ở
trường chúng tôi đã được dự khóa huấn luyện Sỹ quan dự bị, một khóa huấn luyện
rất nghiêm túc và quy củ do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Ngay sau đó chúng tôi phải có mặt ở Câu lạc bộ Lao Động để
biên chế về các đơn vị. Đến đây tôi được gắp rất nhiều bạn bè lớp mình và cả
các bạn ở K6. Chúng tôi lên xe ô tô để về trường Sỹ Quan Thông tin ở bên Gia
Lâm.
Hình ảnh bà ngoại tôi tóc bạc trắng xóa, luôn đứng bên tôi
và vẫy tay tiễn đưa tôi khi xe chuyển bánh đã gây ấn tượng với nhiều người hôm
đó ( Ba tôi không đến tiễn tôi được vì ông đang vào công tác tại Vĩnh Linh)
Đây là lần đầu tiên có nữ kỹ sư vào Cục Thông tin, cho nên
ngay ngày hôm sau Thủ trưởng Hoàng Niệm , cục trưởng, đã đến thăm hỏi và động
viên chúng tôi. Quân nhu cũng ngay lập tức sang may đo quần áo cho chúng tôi.
Chúng tôi được huấn luyện ở đây trong 2 tháng, vừa tập đội
ngũ, mang vác hành quân, báo động ban đêm vừa học kỹ thuật về các khí tài,
thiết bị máy móc thông tin.
Kết thúc khóa huấn luyện tôi được phân về phòng Kỹ thuật của
Cục đóng ngay trong Thành. Chỉ có một mình tôi ở trong một phòng rộng nên rất
buồn và sợ nữa. Ở cục 2 ( quân báo ) cũng có 2 nữ sỹ quan, nhưng do quy định
quan báo và thông tin không được phép quan hệ với nhau, nên chúng tôi không nói
chuyện với nhau. Tôi làm việc ở phòng kỹ thuật và thỉnh thoảng cùng thủ trưởng
Niệm đi kiểm tra và Báo động ở các đơn vị.
Thường là đi và ban đêm và không báo trước, hễ thủ trưởng
gọi là đi.
Các bạn khác cùng nhập ngũ với tôi như : Chị Vương, Tố Nga,
Thu Sương, Xuân Thiên, Xuân Nùng…đều về nhà máy Thông Tin trên Phú Thọ. Tôi
cũng được cùng Thủ trưởng Niệm lên thăm nhà máy một lần, tôi rất thích không
khí lắm việc ở nhà máy và cứ xin mãi để được về đó. Cuối cùng thủ trưởng cũng
cho tôi về nhà máy.
Nhà máy lúc này gồm 2 Phân xưởng, Phân xưởng Cơ Khí và Phân
xưởng Điện tử. Một phòng Kỹ thuật có chuyên gia Trung Quốc là ông Tần.
Việc đầu tiên tôi được giao khi về nhà máy là Biên soạn các
giáo trình để đào tạo công nhân cho phân xưởng điện tử. Hầu hết công nhân đều
rất trẻ, đó là những cô gái người địa phương mới được tuyển vào làm thợ và rất
nhiều chiến sỹ trẻ là bộ đội mới nhập ngũ. Tôi soạn giáo trình để đào tạo họ từ
những kiến thức cơ sở về điện tử đến những thiết bị thông tin cụ thể mà họ sẽ
phải bắt tay vào sửa chữa.
Tôi biết rằng từ trước đến nay nhà máy đều làm việc theo kế
hoạch, hoàn thành kế hoạch là nhiệm vụ chính trị của nhà máy. Nhưng kế hoạch có
hoàn thành hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào một ít các công nhân có tay
nghề cao ( bậc 6,7). Ban lãnh đạo phân xưởng lúc nào cũng phải chiều chuộng số
công nhân này, nếu họ không muốn làm là kế hoạch không hoàn thành. Trước tình
hình đó tôi thấy phải nhanh chóng trang bị kiến thức cho các công nhân trẻ,
nhất là số lính mới nhập ngũ.
Từ đó các lớp học đã được mở ra, các kỹ sư Bách khoa về đều
tham gia giảng dậy.
Không khí nhà máy sôi nổi hẳn lên, ban ngày thì làm việc.
Tối đến các phân xưởng vẫn sáng điện và các lớp học được tổ chức hết sức nghiêm
túc.
Các sơ đồ mạch điện được phân tích kỹ càng nên công nhân sửa
chữa theo hiểu biết chứ không phải mò mẫm hay học lỏm như trước.
Năm 1968 nhà máy cử một đoàn cán bộ sang Liên Xô học tại
Hoạc Viện Thông tin ở Leningrat. Lúc đầu tôi cũng có danh sách trong đoàn này,
đến gần ngày đi mới biết là ở đó họ không nhận đào tạo nữ sỹ quan. Tôi được
chuyển sang đi đào tạo Nghiên cứu sinh theo đường nhà nước.
Sau 5 năm học ở
trường TU Dressden-Cộng hòa dân chủ Đức tôi về nước năm 1975. Tôi tha thiết xin
trở về Bộ tư lệnh Thông tin, nhưng cục cán bộ phân tôi về Viện Kỹ Thuật Quân
Sự.
Lúc tôi về Viện thì thủ trường Hoàng Đình Phu, viện trưởng,
đang đi tiếp quản SG. Thủ trưởng điện ra yêu cầu viện tổ chức cho tô vào tiếp
quản trung tâm thong tin tại bán đảo Sơn Trà. Sau khi quay ra tôi lại được lệnh
vào SG để tiếp quản Trung tâm máy tính trong sân bay Tân sơn nhất.
Trở về Viện tôi được làm việc tại Phân viện điện tử do Thủ
trưởng Trần Thúc Vân làm phân viện trưởng, tôi được giao làm trưởng phòng Tự
động hóa.
Một thời gian sau tôi được giao nhiệm vụ đi vận động các nhà
Khoa học ở bên ngoài nhà nước vào phục vụ trong quân đội ( Vì chồng tôi cũng ở
trong diện này ).
Tôi đã vận động được khá nhiều người bởi vì điều kiện nêu ra
là quá tốt : Phó TS thì được phong hàm Trung tá, TS thì hàm Đại tá. Lập tức
được phân căn hộ lắp ghép và có thể thu xếp để vợ có việc làm trong Viện hoặc
chuyển về Hà Nội nếu vợ con còn ở tỉnh lẻ..
Phần đông các cán bộ này là các nhà Vật Lý lý thuyết, vì vậy
mà phân viện Năng Lượng đã ra đời. GS Tần Hưu Phát làm Phân Viện trưởng.
Đáng tiếc là vì quan niệm Trọng Nam Khinh Nữ của thủ trưởng
Phan Thu mà dù tôi có cố xin mà không được trở về Phân viện Điện tử, nơi tôi
làm việc thích nhất, hợp nhất và có nhiều gắn bó nhất. ở phân viện Năng lượng
chỉ vì có chồng tôi ở đó chứ thật ra tôi không có chuyên môn nên tôi chỉ làm
công tác quản lý hay làm hậu cần, phục vụ cho mọi người.
Đến năm 1988 thì Phân Viện Năng lượng chuyển ra ngoài và sát
nhập với Viện Hạt Nhân Hà Nội thành Viện Năng Lượng Nguyên tử VN do GS Nguyễn
Đình Tứ làm Viện trưởng.
Tôi làm việc tại Viện Khoa Học và Kỹ Thuật Hạt Nhân cho đến
lúc nghỉ hưu (tháng 6 1998). Trong quá trình làm việc tôi thường xuyên tham gia
công tác giảng dậy để đào tạo các sinh viên chuyên ngành Vật Lý Hạt nhân tại Bộ
Môn Vật lý Hạt nhân trường Đại Học Bách Khoa và Tổng hợp.
Ngoài ra tôi còn dậy ở trường Đại Học Phương Đông nhiều năm,
ngay cả sau khi đã nghỉ hưu.
Đến năm 1910 tôi quyết định nghỉ tất cả để tập trung chăm lo
cho con cháu và tự chăm lo cho sức khỏe bản thân.
Đến nay tuy đã bước sang tuổi 74, tôi bị Viêm Khớp gối phải
rất nặng, đi lại khó khăn. Tuy nhiên sức khỏe nói chung vẫn tốt nên tôi sống
rất vui vẻ, thoải mái, sông đủ với lương hưu của mình mà chưa cần đến sự hỗ trợ
của con cái. Con cái tuy không được gọi là thành đạt nhưng đều có công ăn việc
làm và tiền lương ổn định, nuôi các con cái học hành ngoan ngoãn.
Vì muốn được tự do và không làm phiền đến các con nên tôi
vẫn sống một mình, nhưng các con thường xuyên gọi điên hoặc đến thăm. Thứ 7
hàng tuần nào các con củng đến nhà tôi để tổ chức ăn tươi. Đó là lúc sum vầy
vui vẻ của Mẹ con, Bà cháu, anh chị em trong gia đình.
Khi đi xa chắc tôi sẽ nhớ lắm những hình ảnh này.