Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Họp báo cây xanh: 21 câu hỏi chưa được trả lời

Họp báo cây xanh:

 21 câu hỏi chưa được trả lời

- Phóng viên từ nhiều tờ báo dồn dập đặt 21 câu hỏi, song Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ trả lời một mạch chung chung, trong sự ngỡ ngàng của báo giới.
Cuộc họp báo từ 14h đến gần 15h do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì có nội dung "thông báo kết luận của Chủ tịch TP tại cuộc họp sáng nay về đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị".
cây xanh, Hà Nội
                                      Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Cùng có mặt còn có Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành.
Ông Hùng cho biết, TP Hà Nội luôn luôn lắng nghe tiếp thu cầu thị những sự đóng góp của người dân thủ đô và cả nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan báo chí phản ánh những vấn đề trong quản lí của Hà Nội. Lãnh đạo TP cũng luôn lắng nghe, cán bộ công chức thành phố cũng luôn cầu thị. Hà Nội từng có những quyết định rất khó khăn nhưng sau đó đã mang lại đông thuận. Vì vậy TP luôn lắng nghe những góp ý cũng để xây dựng TP xanh, đẹp, để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.
XEM CLIP:
Vừa qua có dư luận bức xúc, phản ánh nhiều chiều về việc chặt cây xanh. Trước hết TP lắng nghe tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị như của nhà báo Trần Đăng Tuấn, GS Ngô Bảo Châu, thư tâm huyết của các hộ dân, báo chí, mạng xã hội. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí đóng góp để chất lượng đời sống của nhân dân được nâng cao hơn", Phó Chủ tịch TP khẳng định.

Sáng nay, lãnh đạo TP đã họp và có quyết định cho vấn đề này.
cây xanh, Hà Nội
Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành
Ông Nguyễn Thịnh Thành công bố kết luận của Chủ tịch UBND TP về việc chặt cây xanh vừa qua.
cây xanh, Hà Nội
Cây muồng trên đường Lê Duẩn bị chặt hạ sáng 18/3. 
Báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi cho 2 ông:
Báo Người Hà Nội hỏi: Cho đến thời điểm này đã chặt bao nhiêu cây, kinh phí tốn bao nhiêu, ai sẽ bị kỷ luật chính sau khi chặt cây này. Chỉnh trang đô thị là một chủ trương đúng đắn nhưng cần làm từ từ và có nghiên cứu. Hạ 6.700 cây mà xã hội hóa thì hơi phản cảm?
Tuổi Trẻ TP.HCM: Việc dừng này như thế nào, bao lâu, có tiếp tục chặt hạ, bao nhiêu cây? Trong văn bản, ông Chánh văn phòng nói hầu hết việc chặt cây được người dân đồng thuận thì điều này khảo sát như thế nào?
Xã hội hóa có bao nhiêu DN tham gia, gồm DN nào? Họ được gì, có quyền lợi gì?
VnMedia: Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt. Tôi được biết việc thẩm định cây có sâu mọt không rất khó. Ngay TP.HCM quyết định đầu tư 2 tỷ khoan tham dò thì cũng rất khó khăn. Vậy ai quyết định việc này?
Những cây xanh chặt đi đưa về đâu, tập kết ở đâu? Cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
cây xanh, Hà Nội
Phóng viên báo Tiền Phong
Tiền Phong: Nhữngcây xanh đã chặt thì đưa về đâu, đã bán chưa, bán bao nhiêu tiền, những cây trồng mới thì mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
Đất Việt: Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây và đã bán chưa, bán đấu giá bao nhiêu tiền, nếu chưa bán thì để ở đâu?
Người đưa tin: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lí hay không?
Người tiêu dùng: Dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương TP, DN chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?
cây xanh, Hà Nội

Một thế giới: Đánh giá tác động môi trường như thế nào khi chặt hạ cây? Việc chặt này đích thân ông Hùng cho phép, cá nhân ông có nhận khuyết điểm gì trong việc này? Sở Xây dựng có mặt ở đây tôi từng hỏi nhưng các anh hứa mà chưa trả lời, đó là việc hạch toán, thống kê kiểm kê việc chặt cây trên tuyến phố...?
Pháp luật TP.HCM: TP cho biết việc chặt cây có thể minh bạch thông tin về giá cây, gỗ trong vòng 5 năm thế nào?
Thanh Niên: Bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?
VnMedia: Ông Hùng cảm thấy thế nào khi đi qua tuyến phố trước đây rợp bóng cây nay thay cây trơ trụi không tán lá?
Lao Động: Hà Nội nên thơ bởi những hàng cây như bằng lăng, sấu ở Phan Đình Phùng... chúng ta thay nhiều loại cây hay chỉ một loại cây? Nguồn từ ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?
VTC: Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?
Đất Việt: Những cây trồng thời Pháp thuộc thì liệu quy hoạch đã sai rồi không?
An ninh Thủ đô: Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tại sao chặt số lượng nhiều như vậy?
VietNamNet: Quyết định sáng nay là do dư luận xã hội hay là lí do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?
Một phóng viên: Mạng xã hội có rộ lên thông tin sẽ thay thế cây tầm bì, cây này có nằm trong diện cây thay thế không? Biện pháp gì để sàng lọc những cây có hại hoặc cây sinh trưởng không tốt? Vì sao một số nơi cây xà cừ thẳng, cây bàng cũng thẳng, đang sinh trưởng tốt nhưng vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì?
Đúng quy trình nhưng thiếu thông tin, thiếu minh bạch
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng thông tin một mạch, không đi vào trả lời câu hỏi cụ thể nào:
XEM CLIP:
Ông cho hay: Hà Nội được thừa hưởng hệ thống cây xanh, các công trình kiến trúc được cha ông để lại, hệ thống cây xanh vô cùng quan trọng, trách nhiệm của TP, người dân và xã hội là chung tay bảo tồn duy trì phát triển để thế hệ sau này thừa hưởng.
"Mọi sự thành bại đều do dân, nếu quyết định vấn đề mà không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn".
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Hệ thống cây xanh Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đời sống nhân dân thủ đô, có giá trị vật thể và phi vật thể. Hệ thống cây xanh này đã từng đi vào trang sách, thơ ca, bài hát, đã đi vào từng  tiềm thức, gắn bó các kỷ niệm tình cảm  của mọi người dân thủ đô. Do đó, ứng xử, đối xử với hệ thống cây xanh này có cả quy định pháp luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Xây dựng cũng như các quyết định của UBND TP đã được xây dựng nhiều thời kỳ vừa qua. Mỗi thời kỳ đều có chỉnh sửa, tiếp thu  sửa đổi để làm sao phù hợp tình hình mới và tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Hệ thống cây xanh này là lá phổi của thủ đô chúng ta, giữ lá phổi cho TP là việc cần thiết phải làm.
Vừa qua có việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên đường phố, tuyến phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, phố Huế, Hàng Bài, một số tuyến phố...  Đây là chủ trương đúng đắn của TP. Việc thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, đúng các quy trình, quy định. Tuy nhiên do việc tổ chức thực hiện thiếu thông tin, thiếu minh bạch và sự nôn nóng của một số nhà tài trợ. Những nhà tài trợ này hôm nay chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ sau buổi họp. Chúng tôi xin thông báo đó là cán bộ nhân viên một ngân hàng đóng góp 30.000đ/người, công an HN hưởng ứng chủ trương xã hội hóa của TP, mỗi cán bộ chiến sĩ đóng góp 15-20.000/người để thực hiện. Việc thực hiện này dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, các đơn vị theo quy định,  đồng thời cũng chịu sự giám sát cộng đồng của nhân dân cũng như các cơ quan thông tấn báo chí.

'Không có tham nhũng, khuất tất mờ ám gì'

Việc thực hiện là một chủ trương đúng, việc thực hiện là cần thiết. Thông báo của Chủ tịch TP đã nói lên tất cả. Các đại biểu cũng rất quan tâm đến việc có gì tiêu cực, tham nhũng ở đây không, có gì lợi ích nhóm ở trong việc chặt hạ này không. Thay mặt TP, tôi xin khẳng định hoàn toàn không có một lợi ích nhóm, không có tiêu cực tham nhũng, không có một cái gì mờ ám, khuất tất trong việc thực hiện đánh chuyển, trồng mới cây trên địa bàn TP.
Sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của người dân, của các nhà hảo tâm đó là sự trân trọng, rất quý của người dân. Hà Nội rất trân trọng và rất cảm ơn sự hảo tâm và nhiệt tình đóng góp của các tổ chức xã hội cũng như của người dân, các doanh nghiệp đã đóng góp cho TP.

cây xanh, Hà Nội

Việc tổ chức thực hiện của một số cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua do thiếu minh bạch, thiếu thông tin đầy đủ cho nhân dân để gây ra một dư luận bức xúc. Tôi xin tiếp thu và nhận thiếu sót của các đơn vị tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua đã gây nên dư luận bức xúc trong xã hội. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Những công việc liên quan đến người dân, liên quan đến xã hội thì từ nay trở đi  TP Hà Nội sẽ thận trọng, lắng nghe, cầu thị, tiếp thu tất cả những ý kiến của các nhà khoa học, của nhân dân. 
TP luôn luôn vì mục đích TP xanh sạch đẹp, đời sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, hoàn toàn không vì mục đích nào khác. Lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng cũng đều vì mục tiêu, tôn chỉ đó. Tuy nhiên có những thiếu sót, thay mặt TP một lần nữa xin nhận thiếu sót trong thời gian vừa qua và sẽ kiểm điểm trách nhiệm.
Xin hứa từ nay trở đi những quyết định vá những vấn đề gì liên quan đến cộng đồng xã hội  sẽ tiếp thu, thận trọng, lắng nghe, sẽ thông tin đại chúng, sẽ xin ý kiến cộng đồng, tiếp thu ý kiến của nhà khoa học để làm sao chúng ta thực hiện chủ trương đúng đắn, thành công để đưa vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết rằng, mọi sự thành bại đều do dân, những quyết định không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn.
Việc  thực hiện thu hồi gỗ, củi mục, cây đánh chuyển, thanh lý, tất cả các cơ quan chức năng của TP đều phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.  Các nhà báo sẽ xuống trực tiếp các cơ quan của TP  và tôi đề nghị ngày hôm nay các đơn vị chức năng của TP phải công khai minh bạch những nội dung của các cơ quan báo đài đã nêu hôm nay và mời các cơ quan báo đài đến trực tiếp những vị trí để cây, nơi đánh vườn ươm, nơi có củi mục để có cơ sở để báo chí đưa thông tin tới nhân dân, TP Hà Nội không bao giờ có một cái gì khuất tất, mờ ám trong việc này và thực hiện đúng quy định.
Việc thực hiện các quyết định của TP vô cùng khó khăn, vô cùng phức tạp nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng dũng cảm để thực hiện vấn đề nếu được dư luận nhân dân ủng hộ, được sự đồng thuận của các nhà khoa học, các cơ quan báo chí thì Hà Nội sẽ đẹp hơn, tốt hơn.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP trả lời đầy đủ, cung cấp đầy đủ những nội dung mà các cơ quan báo chí đã hỏi. Chúng tôi sẽ giao cho các cơ quan chức năng thông tin trả lời một cách đầy đủ, chính xác. Nếu các đơn vị nào không đầy đủ phải chịu trách nhiệm trước TP, trước Chủ tịch TP.
Phần trả lời một mạch của ông Hùng kết thúc luôn cuộc họp báo. 21 câu hỏi báo chí đặt ra vẫn bỏ ngỏ.
H.Nhì - P.Nguyên - P.Hải - X.Quý - H.Phúc - H.Anh - T.An

Sẽ có từ chức trong vụ Hà Nội ‘chặt cây’?

BBC. 22-03-2015

Một nhà phân tích chính sách công từ Việt Nam vừa đặt vấn đề chính quyền Hà Nội sẽ ‘chịu trách nhiệm giải trình’ ra sao, thậm chí có ai sẽ ‘từ chức’ không sau chiến dịch chặt cây xanh ồ ạt vừa mới bị đình chỉ ở thành phố này.
 Gỗ từ các cây xanh bị chặt sẽ có thể được 'bán đấu giá' sớm, theo một số tờ báo ở Việt Nam.
Gỗ từ các cây xanh bị chặt sẽ có thể được ‘bán đấu giá’ sớm, theo một số tờ báo ở Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 21/3/2015, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công tại Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam bình luận về phát biểu của một phó lãnh đạo ngành tuyên huấn của Thành ủy Hà Nội mới đây cho rằng không cần phải hỏi ý kiến người dân khi tiến hành chiến dịch chặt cây.
Ông nói: “Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định như vừa rồi, một người có trách nhiệm như thế, ông Phó Ban tuyên giáo mà ông ấy trả lời như thế, rõ ràng là bất chấp dư luận và bất chấp quần chúng, trong khi phong trào dân chủ cần được tôn trọng, thì ông đã có phát biểu như thế.
“Những người đó phải có trách nhiệm giải trình, đồng thời phải có trách nhiệm và có lương tâm, không những chỉ xin lỗi mà thậm chí mong muốn của dư luận là ông nên từ chức.
“Có như vậy thì mới giữ được một chút uy tín còn lại của những người làm chính sách, hoạch định chính sách.
“Khi mà hoạch định chính sách đó là phải hướng tới người dân, vì lợi ích của người dân, vì lợi ích cộng đồng, thì ngược lại ông bất chấp, làm việc đó, ra quyết định như vậy thì không xứng đáng là những người làm chính sách.
“Và cá nhân tôi cũng ủng hộ ông ấy và trong bộ máy này phải có người chịu trách nhiệm việc này, chứ không phải chỉ có một người đứng lên xin lỗi chung chung, rồi lại đâu vẫn vào đấy.
“Đấy là ý kiến rất đông đảo của người dân Hà Nội chứ không chỉ riêng của chúng tôi, mà tôi biết được đông đảo quần chúng mong muốn phải có những hành động gọi là dũng cảm trong nháy nháy của những người làm chính sách và của những phát ngôn như vậy, phải chịu trách nhiệm và phải từ chức,” Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công của Học viện Chính sách & Phát triển nêu quan điểm.

 

‘Lợi ích nhóm?’

Mới đây xuất hiện một văn bản được cho là của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội do Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân, Nguyễn Thịnh Thành ký, cho biết chi tiết về các cơ quan, tổ chức và cá nhân đã “tham gia ủng hộ” cho việc chặt cây, trong đó riêng trên 17 tuyến phố thực hiện ở Hà Nội, có:
“Tập đoàn Vincom, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VP Bank), Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác.”
Bình luận về khả năng có ‘lợi ích nhóm’ nào không và ra sao đứng sau chiến dịch được cho là dự định chặt tới 6.700 cây xanh ở Hà Nội, mà trong đó có nhiều cây được tin là có giá trị cao riêng về mặt kinh tế, Phó Giáo sư Thọ nói:
“Các công ty này liệu có những lợi ích gì không trong việc tài trợ này? Và tài trợ như thế nào cũng chưa được sáng tỏ,” ông Thọ nói về vụ họp báo của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng chủ trì mới đây, hôm 20/3 về vụ việc.
“Vì một số câu hỏi đặt ra chưa được làm rõ ở cuộc họp báo này.
“Cái thứ hai, khi Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ngừng chặt cây xanh, thì dư luận vẫn đặt ra rằng thậm chí một số cây mà chặt trong đó người ta nghi ngờ có cả cây sưa rất quý hiếm, cũng như là một số cây nữa mà gỗ của nó đi đâu, thì hiện nay cũng là những câu hỏi chưa trả lời.
“Và thứ ba nữa là như thế liệu có những bàn tay nào để thúc đẩy việc này không, để làm cho chính quyền Hà Nội và cụ thể là Sở Xây dựng và công ty này dẫn đến một hành động gần như có nhiều phản tác dụng, bất chấp dư luận, không có ý thức mà cũng không có quy hoạch cây xanh, cũng như cả vấn đề môi trường nữa?
“Rõ ràng nhóm lợi ích ở đây người ta đương đặt ra câu hỏi lớn nhất mà hiện nay, trong cuộc họp báo này, chưa được giải thích”, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu quan điểm với BBC.

 

‘Thảm sát cây’

Hôm thứ Bảy, một tờ báo Việt Nam, tờ Tin nhanh Năng Lượng Mới (PetroTimes) cũng nêu quan điểm chất vấn lãnh đạo Hà Nội về trách nhiệm liên quan chiến dịch chặt cây, mà tác giả bài viết với tựa đề “Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là “phá hoại có tổ chức” hay không?” gọi là một vụ “thảm sát cây”.
Bài báo của tác giả Nguyễn Như Phong có đoạn với nhiều câu hỏi đặt ra:
“Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này.
“Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ ” thảm sát” cây này.
“Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là:
“Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa?
“Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền?
“Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?
“Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc “phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức,” tác giả Nguyễn Như Phong nêu quan điểm.

Được biết, hôm 20/3, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã mở một cuộc họp báo về vụ chặt cây xanh, do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng chủ trì, hàng loạt các câu hỏi của các phóng viên đã được đặt ra, tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào tại chỗ, theo phản ánh của truyền thông Việt Nam trong cuộc họp diễn ra vỏn vẹn khoảng 10 phút này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét