Liệu Putin Có Thể
Tồn Tại?
Tác giả: George
Friedman
Người dịch: Lê
Minh Nguyên
17-3-2015
Lời Toà Soạn:
Tuần này, chúng tôi mở lại bài viết trong Geopolitical Weekly được viết đầu
tiên hồi tháng Bảy năm 2014 trong đó nêu ra là liệu Tổng thống Nga Vladimir
Putin có thể duy trì được quyền lực hay không, dù ông đã tính toán sai lầm ở
Ukraine, chủ đề này trở nên nổi bật với sự vắng mặt tạm thời gần đây của ông
trước công chúng. Trong khi Putin đã xuất hiện trở lại, các vấn đề nổi lên do
hành động biến mất của ông vẫn còn tồn tại.
Có một quan điểm chung cho rằng ông Vladimir Putin cai
trị Liên bang Nga như là một nhà độc tài, rằng ông đã đánh bại và đe dọa các
đối thủ của ông, và rằng ông đã gây đe dọa mạnh mẽ đến các nước xung quanh. Đây
là một quan điểm hợp lý, nhưng có lẽ nó nên được đánh giá lại trong bối cảnh
của các sự kiện gần đây.
Ukraine và nổ lực để đảo ngược sự suy sụp của Nga
Dĩ nhiên, Ukraine
là nơi để khởi đầu câu chuyện. Đất nước này hết sức quan trọng đối với Nga
trong việc làm trái đệm chống lại phương Tây và cũng là tuyến đường để cung cấp
năng lượng cho châu Âu, nền tảng của nền kinh tế Nga. Ngày 1/1/2014, Tổng thống
Ukraine
là ông Viktor Yanukovich, nhìn chung được coi là thân Nga. Do sự phức tạp xã
hội và chính trị của Ukraine ,
sẽ là vô lý khi nói rằng Ukraine
do ông lãnh đạo chỉ là một con rối của Nga. Nhưng công bằng để nói rằng dưới
triều của ông Yanukovich và những người ủng hộ ông, những lợi ích căn bản của
Nga ở Ukraine
được an toàn.
Điều này cực kỳ quan trọng đối với ông Putin. Một phần
của lý do là vì ông Putin thay ông Boris Yeltsin năm 2000 vì ông Yeltsin quá
kém trong chiến tranh Kosovo. Nga đã liên minh với những người Serbs và không
muốn NATO khởi động một cuộc chiến tranh chống lại Serbia . Mong muốn của Nga đã bị bỏ
qua. Các quan điểm của Nga đơn giản được coi là không quan trọng đối với phương
Tây. Dù vậy, khi cuộc chiến trên không thất bại để buộc Belgrade đầu hàng,
người Nga đã đàm phán một thỏa hiệp cho phép quân đội Mỹ và NATO xâm nhập và
quản lý Kosovo. Một phần của giải pháp đó, là quân đội Nga hiện diện đáng kể
trong lực luợng gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Nhưng người Nga đã không bao giờ có
được vai trò đó, và ông Yeltsin đã tỏ ra không đáp ứng lại được sự sỉ nhục này.
Putin cũng thay ông Yeltsin vì tình trạng thảm hại của
nền kinh tế Nga. Mặc dù Nga luôn luôn nghèo, nhưng quan niệm chung được hiểu,
nó là một sức mạnh không thể được xem thuờng trong các vấn đề quốc tế. Tuy
nhiên, duới triều Yeltsin, Nga đã chẳng những trở nên nghèo hơn mà còn bị khinh
thường trong các vấn đề quốc tế. Putin đã phải đối phó với cả hai vấn đề này.
Ông đã mất một thời gian dài trước khi đưa nó về hướng hồi phục lại sức mạnh
của Nga. Dù truớc đó ông nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô được xem là thảm họa
địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Nhưng điều này không có nghĩa là ông muốn
làm sống lại Liên Xô ở cái dạng thất bại của nó, mà đúng hơn là ông muốn quyền
lực của Nga được thế giới nghiêm túc nể trọng lại, và ông muốn bảo vệ cũng như
cũng cố lợi ích quốc gia Nga.
Khởi điểm của sự thất bại đến từ Ukraine trong cuộc Cách mạng Cam
năm 2004. Yanukovich đã được bầu làm tổng thống năm đó trong những điều kiện
đáng nghi ngờ, và những người biểu tình đã buộc ông phải tổ chức một cuộc bầu
cử thứ hai. Ông thua, và một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Tại thời
điểm đó, ông Putin đã cáo buộc CIA và các cơ quan tình báo phương Tây đã tổ
chức các cuộc biểu tình. Gần như công khai, đây là thời điểm mà ông Putin tin
rằng phương Tây muốn phá hủy Liên bang Nga, muốn nó đi theo đường sụp đổ của
Liên Xô. Đối với ông, tầm quan trọng của Ukraine cho nước Nga là hiển nhiên.
Do đó, ông tin rằng CIA tổ chức các cuộc biểu tình để đưa Nga vào vị trí nguy
hiểm, và lý do duy nhất cho điều này là ý muốn làm tê liệt hoặc tiêu diệt Nga.
Sau vụ Kosovo, Putin công khai chuyển từ thái độ nghi ngờ sang sự thù địch với
phương Tây.
Người Nga ra sức làm việc từ năm 2004-2010 để đảo ngược
cuộc Cách mạng Cam . Họ ra sức xây dựng lại
quân đội Nga, tập trung điểm nhấn rõ hơn trong bộ máy tình báo của họ, và sử
dụng bất cứ ảnh hưởng kinh tế nào mà họ có để định hình lại mối quan hệ của họ
với Ukraine .
Nếu họ không thể kiểm soát Ukraine ,
họ không muốn nó được kiểm soát bởi Hoa Kỳ và Châu Âu. Điều này, tất nhiên,
không chỉ là quan tâm quốc tế duy nhất, mà còn là then chốt.
Cuộc xâm chiếm Georgia
của Nga nhằm phục vụ mục tiêu Ukraine
nhiều hơn là nhằm vào vùng Caucasus . Vào thời
điểm đó, Mỹ vẫn còn sa lầy ở Iraq
và Afghanistan .
Trong khi Washington không có nghĩa vụ chính
thức để bảo vệ Georgia ,
nhưng có các quan hệ chặt chẽ và các bảo đảm mặc thị. Cuộc xâm lăng Georgia
được thiết kế để phục vụ hai mục tiêu. Đầu tiên là để chứng tỏ cho khu vực thấy
rằng quân đội Nga, vốn ở trong tình trạng bệ rạc năm 2000, đã có thể hành động
một cách cương quyết trong năm 2008. Thứ hai là để chứng minh cho khu vực này
thấy rằng, đặc biệt là Kiev, sự đảm bảo của Mỹ, dù minh thị hay mặc thị, cũng
đều không có giá trị. Năm 2010, Yanukovich được bầu làm tổng thống Ukraine, đảo
chiều cuộc Cách mạng Cam và hạn chế ảnh hưởng của phương Tây vào nước này.
Nhận thức được sự rạn nứt đang xảy ra với Nga và xu hướng
chung của khu vực là chống lại Hoa Kỳ, chính quyền Obama đã cố gắng tái tạo lại
mô hình bang giao cũ của các mối quan hệ, khi Hillary Clinton tặng Putin nút
“khởi động lại”/reset năm 2009. Nhưng Washington
muốn khôi phục lại mối quan hệ cũ ở thời điểm của những gì mà Putin coi là “ngày
xưa xấu xí.” Dĩ nhiên là ông Putin không quan tâm đến sự khởi động lại như vậy.
Thay vào đó, ông nhìn thấy rằng Hoa Kỳ đang lui về thế thủ, và ông muốn khai
thác nó cho lợi thế của ông.
Một trong những nơi ông muốn làm như vậy là châu Âu, lợi
dụng sự lệ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga để phát triển gần gũi hơn
với các nước ở lục địa này, đặc biệt là Đức. Cao điểm của ông là trong vụ
Syria, khi chính quyền Obama đe dọa không kích Damascus vì ông Assad đã sử dụng
vũ khí hóa học, rồi sau đó lại thối bộ lui. Nga đã phản đối mạnh mẽ hành động
của Obama, và đề xuất một quá trình đàm phán để thay thế. Qua cuộc khủng hoảng
này, phía Nga nổi bật là có năng lực và có quyết định, phía Mỹ tỏ ra thiếu
quyết đoán và yếu ớt. Quyền lực của Nga vì vậy mà gia tăng, mặc dù Nga có một
nền kinh tế yếu, điều này làm tăng vị thế của Putin.
Dòng nuớc nguợc cho Putin
Những biến cố xảy ra trong năm 2014 ở Ukraine thì ngược lại, nó đã tàn
phá ông Putin. Vào tháng Giêng 2014, Nga thống trị Ukraine . Qua tháng Hai, ông Yanukovich
trốn khỏi đất nước này và một chính phủ thân phương Tây nắm quyền. Các cuộc nổi
dậy chống Kiev mà ông Putin mong đợi ở miền đông
Ukraine
sau khi ông Yanukovich bị lật đổ đã không hề xảy ra. Trong khi đó, chính phủ Kiev , với các cố vấn
phương Tây, đã tự bắt rễ vững chắc hơn. Đến tháng Bảy, người Nga kiểm soát chỉ vài mãnh nhỏ của Ukraine .
Nó bao gồm Crimea, nơi mà người Nga luôn có căn cứ quân sự áp đảo do bởi sự cho
phép của hiệp ước, và một khu tam giác lãnh thổ từ Donetsk đến Luhansk đến
Severodonetsk, nơi mà một lượng nhỏ các phần tử nổi dậy được hỗ trợ bởi lực
lượng đặc biệt của Nga kiểm soát chừng một chục thị trấn.
Nếu không có cuộc nổi dậy đòi dân chủ của người Ukraine
xảy ra, thì chiến lược của ông Putin đã cho phép chính quyền Kiev tự tách ra khỏi
phuơng tây theo cách riêng của mình và chia rẽ Hoa Kỳ với châu Âu bằng cách tận
dụng mối quan hệ thương mại và năng lượng mạnh mẽ của Nga với lục địa này. Và đây là lý do tại sao vụ tai
nạn máy bay Malaysia Airlines bị bắn rơi rất là nghiệt ngã. Nếu nó được
biết đến – như có vẽ trong trường hợp này – là Nga cung cấp các hệ thống phòng
không cho lực lượng ly khai và gửi chuyên viên đến điều hành (vì điều khiển các
hệ thống này đòi hỏi một sự huấn luyện rất lâu và kỹ), Nga có thể bị kết án là
phải chịu trách nhiệm trong việc bắn hạ máy bay. Và điều này có nghĩa là khả
năng của Moscow
để phân hóa châu Âu và Mỹ sẽ giảm. Ông Putin sau đó sẽ được xem, thay vì là một
nhà cai trị tinh vi và hiệu quả, thì lại là một kẻ bất tài nguy hiểm, sử dụng
quyền lực một cách tàn nhẫn để hỗ trợ một cuộc nổi loạn vô vọng với các vũ khí
hoàn toàn không phù hợp. Và phương Tây, cho dù một số nuớc không muốn có sự
chia rẽ với Putin, cũng phải đương đầu với việc thẩm định xem liệu ông ta có
thực sự hiệu quả và hợp lý hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Putin phải ngẫm nghĩ về số phận
của những người tiền nhiệm truớc ông. Ông Nikita Khrushchev khi đi nghỉ hè trở
về tháng 10 năm 1964, thấy mình bị thay thế bởi nguời cận thần là ông Leonid
Brezhnev, và phải đối mặt với các cáo buộc, cùng với những thứ khác, bằng một
“âm mưu nguỵ tạo”. Khrushchev vừa bị nhục trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba .
Điều này cộng với sự thất bại của ông ta để đưa nền kinh tế đi tới, sau khoảng
một thập niên cầm quyền, để thấy đồng chí thân cận nhất của ông cho ông về
“nghỉ hưu”. Một thất bại lớn trong đối ngoại cộng với những thất bại kinh tế,
nó đưa đến hậu quả là một khuôn mặt tuởng chừng như không thể công kích được,
bị lật đổ.
Tình hình kinh tế
Nga không đến nỗi thảm khốc như nó đã xảy ra duới thời Khrushchev hay Yeltsin,
nhưng nó đã trở nên xấu đi đáng kể trong thời gian gần đây, và có lẽ quan trọng
hơn, là nó đã không đáp ứng được kỳ vọng.
Sau khi hồi phục từ cuộc khủng hoảng năm 2008, Nga đã bị suy giảm tốc độ tăng
trưởng tổng sản lượng quốc nội trong nhiều năm, và ngân hàng trung ương dự báo
là không có tăng trưởng (số không) trong năm 2014. Do nhiều áp lực hiện nay, ta
có thể đoán là nền kinh tế
Nga sẽ đi vào suy thoái ở thời điểm của năm 2014. Các mức nợ của những
chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi trong vòng bốn năm qua, và nhiều vùng
gần như phá sản. Hơn nữa, một số các công ty kim loại và khai thác mỏ đang phải
đối mặt với sự phá sản. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm cho mọi việc tồi tệ
hơn. Chảy máu vốn từ Nga ra ngoài trong 6 tháng đầu 2014 ở mức $76 tỷ đôla, so
với 63 tỷ cho cả năm 2013. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào/FDI đã giảm 50%
trong nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013. Và tất cả các điều này xảy ra
mặc dù giá dầu vẫn còn cao hơn $100/một thùng.
Dư luận dân chúng ủng hộ ông Putin tăng vọt sau khi tổ
chức thành công Thế vận hội mùa đông ở Sochi và sau khi các phương tiện truyền
thông phương Tây làm ông nổi bật như là một kẻ xâm lăng Crimea. Ông đã, với tất
cả những gì cho thấy, xây dựng danh tiếng của ông như là một lãnh tụ cứng rắn và
luôn ở thế công. Tuy nhiên, khi tình hình thực tế Ukraine trở nên rõ ràng hơn, thì sự
chiến thắng lớn được xem như là để bao che cho một sự thối lui ở thời điểm mà
các vấn đề kinh tế đang nghiêm trọng. Đối với nhiều nhà lãnh đạo khác, các sự
kiện ở Ukraine
sẽ không tiêu biểu cho thách thức quá lớn như vậy. Nhưng ông Putin đã xây dựng
hình ảnh của mình trên một chính sách đối ngoại cứng rắn, và nền kinh tế Nga
cho thấy là ông không được xếp hạng quá cao dù trước khi có vụ Ukraine .
Tưởng tượng về Nga hậu Putin
Trong loại chế độ mà ông Putin đã dựng ra, thì tiến trình
dân chủ không phải là chìa khóa để hiểu những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Putin đã khôi phục lại các yếu
tố của Liên Xô vào trong cấu trúc của chính quyền, thậm chí còn sử dụng thuật
ngữ “Bộ Chính Trị” để gọi vòng tròn trong chung quanh ông ta. Dĩ nhiên, đây là
tất cả những người do ông ta lựa chọn, và vì vậy người ta có thể cho rằng họ sẽ
trung thành với ông ta. Nhưng trong Bộ Chính Trị kiểu Liên Xô, đồng chí gần sát cạnh thường
xuyên là người đáng sợ nhất.
Mô hình Bộ Chính Trị được thiết kế để cho lãnh tụ xây
dựng liên minh giữa các phe phái. Putin đã rất giỏi trong việc này, ông đã rất
thành công ở tất cả mọi việc ông làm cho đến bây giờ. Nay thì khả năng của ông
để giữ mọi thứ ăn khớp nhau đã suy giảm, khi mà niềm tin vào năng lực của ông
đã bị suy sụp và các phe phái khác nhau bắt đầu nghĩ về hậu quả của sự gắn bó
với một nhà lãnh đạo thất bại, họ bắt đầu quyền biến. Giống như Khrushchev, đã
thất bại trong chính sách kinh tế và đối ngoại, Putin có thể bị những người
cộng sự của ông loại bỏ.
Thật là khó để biết việc khủng hoảng tiếp nối lãnh đạo sẽ
diễn ra như thế nào, khi mà tiến trình tiếp nối do hiến pháp đề ra, lại nằm
song song với sự hiện hữu của một chính quyền không chính thức do Putin lập ra.
Đứng từ góc nhìn dân chủ,
thì Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin nổi
tiếng cũng ngang như Putin, và tôi nghĩ rằng cả hai càng ngày càng nổi tiếng
hơn theo thời gian. Nhưng trong tranh chấp quyền lực kiểu Liên Xô, thì
Chánh Văn Phòng Sergei Ivanov và Chủ tịch Hội đồng An ninh Nicolai Patryushev
sẽ là những ứng viên tiềm năng. Nhưng cũng còn có những người khác nữa. Cuối
cùng thì ai? Mong đợi sẽ xuất hiện như là Mikhail Gorbachev?
Cuối cùng, những chính khách tính toán sai và quản trị
kém có xu hướng không tồn tại. Putin đã tính sai ở Ukraine , thất bại trong việc tiên
liệu sự rớt đài của một đồng minh, thất bại trong việc đáp ứng một cách hiệu
quả và sau đó vuớng vấp tệ hại trong cố gắng để gỡ lại. Ông quản lý nền kinh tế
duới tiêu chuẩn trong thời gian vừa qua, để nói một cách khiêm nhuờng. Ông có
những đồng nghiệp mà họ tin rằng họ có thể làm công việc tốt hơn, và bây giờ có
những nhân vật quan trọng ở châu Âu, những người này sẽ vui mừng khi thấy ông
ta ra đi. Ông ta phải đảo ngược dòng chảy này thật nhanh, hay ông ta có thể bị
thay thế.
Ông Putin vẫn còn
chưa bị chấm hết. Nhưng ông đã cai trị 14
năm, kể luôn thời gian Dmitri Medvedev chính thức trên danh nghĩa, và đó là một
thời gian dài. Ông cũng có thể khôi phục lại vị thế của mình, nhưng với những
gì đã hiện ra ở thời điểm này, tôi cho rằng có những tính toán âm thầm đang
được khơi động lên trong đầu của những đồng nghiệp của ông. Chính ông Putin
cũng phải tái thẩm định những lựa chọn của ông hàng ngày. Thoái lui trong sự
đối mặt với phương Tây và chấp nhận tình trạng tĩnh/status quo hiện tại ở
Ukraine sẽ là chọn lựa khó khăn, vì rằng vấn đề Kosovo đã giúp đẩy ông lên nắm
quyền và ông đã nói những gì về Ukraine trong những năm qua. Nhưng tình hình
hiện nay không thể nào tự nó đứng vững được. Con bài không thể biết trong tình
huống này là, nếu ông Putin bị nguy khốn chính trị trầm trọng, ông có thể trở
nên hung hăng hơn thay vì ít hơn. Ông Putin có đang thực sự gặp khó khăn hay
không là một điều mà tôi không thể biết chắc, nhưng có quá nhiều việc không hay
đã xảy ra cho ông gần đây để tôi xem là không có. Và như trong bất kỳ cuộc
khủng hoảng chính trị nào, càng lúc càng có nhiều lựa chọn hơn, và cực đoan
hơn, được dự tính nếu tình hình xấu đi.
Những ai nghĩ rằng Putin là một nhà lãnh đạo vừa hà khắc
nhất và vừa hung hăng nhất của Nga thì nên nhớ rằng trường hợp của ông ta cũng
còn khá xa những người khác. Thí dụ như, Lenin rất đáng sợ. Nhưng Stalin còn
tồi tệ hơn nhiều. Tuơng tự, có thể đến một thời điểm nào đó khi thế giới nhìn
vào thời đại Putin là khoảng thời gian dễ thở. Vì nếu cuộc đấu tranh của Putin
để tồn tại, và vì các đối thủ của ông để thay thế ông, trở nên mãnh liệt hơn,
sự sẵn sàng của tất cả các bên để trở thành tàn bạo hơn cũng có thể vì thế mà
nhanh chóng gia tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét