Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Nghe Nhạc sỹ Trần Hoàn kể chuyện

Hôm nay Ngày 1-4-2015. Ngày Ba tôi đã đi xa chúng tôi tròn 48 năm, tức là 18.230 ngày. Hơn 18 nghìn ngày đã qua tôi chắc chắn rằng không một ngày nào tôi không nghĩ về Ba, nói chuyện và tâm sự với Ba.
Từ khi có được quyển sách viết về Ba do trường Đại Học Y biên soạn “ Đặng Văn Ngữ - Một Trí Tuệ Việt Nam”, tôi luôn giữ nó bên mình và ôm nó trên ngực mỗi khi nhớ Ba.
Trong quyển sách này có một bài của Nhạc sỹ Trần Hoàn, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài này bởi vì ông đã kể về những này cuối cùng của Ba ở chiến trường Thừa Thiên – Huế. Ông đã ghi lại nhiều hình ảnh của Ba tôi trên đường ra mặt trận. Những hình ảnh trèo đèo lội suối rất vất vả mà thân quen của người chiến sỹ đi B.

Hôm nay nhân ngày giỗ của Ba tôi, tôi xin được đăng lên bài này để được chi sẻ cùng các bạn.

Nhớ anh Đặng Văn Ngữ

Nhạc sỹ Trần Hoàn
Tôi gặp anh Ngữ lần đầu vào năm 1949, tại một cuộc hội nghị về Văn hóa ở Liên khu IV. Tham dự Hội nghị có 3 thành phần : Các nhà Khoa học kỹ thuật, các nhà giáo và giới văn nghệ sỹ. Hồi đó tôi mới 21 tuổi, là ủy viên Ban chấp hành trẻ nhất của Chi hội văn nghệ Liên khu IV (cũ). Trước đó tên tuổi của anh Ngữ đã được biết đến như một trí thức yêu nước tiêu biểu, vừa từ Nhật Bản trở về, mang theo một dự án sáng tạo độc đáo. Bào chế thuốc kháng sinh Penicilin ngay trong nước để cung cấp cho nhu cầu của Kháng chiến. Dáng người thanh mảnh, giọng nói đặc Huế. Thái độ đối xử lịch thiệp, cởi mở, khiêm tốn và chân thành. Anh đã có sức hấp dẫn ngay từ phút đầu gặp gỡ,nhất là với lớp người trẻ chúng tôi. Sau đó, bẵng đi một thời gian dài tôi không có dịp được gặp lại anh. Tôi ra hoạt động ở Liên khu Ba rồi ra khu tả ngạn sông Hồng. Còn anh ra Việt Bắc để mở phòng Bào chế Penicilin và giảng dậy tại Trường Đại Học Y Khoa kháng chiến tại Chiêm Hóa cùng các Giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng. Hòa bình lập lại, tôi được tin anh về tiếp quản Trường Đại học Y khoa Hà Nội, làm chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, nơi anh đã từng làm việc trước khi đi du học tại Nhật Bản, đồng thời là Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng đầu tiên của Việt Nam. Còn tôi về tiếp quản Hải Phòng, rồi làm Giám đóc Sở Văn hóa ở đó nên cũng không có dịp nào được gặp anh.
Mãi đến đầu năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đã giúp tôi có cơ hội được gặp lại anh, được sống gần anh một thời gian. Đó là vào những ngày khi cả tôi và anh cùng chuẩn bị thể lực và hành trang để lên đường vào Nam. Chúng tôi đều cùng vào chiến trường Trị Thên – Huế, mảnh đất quê hương của cả hai chúng tôi’
Vậy là, sau 18 năm tôi mới được gặp lại anh và cuộc gặp gỡ lần này đã gắn chặt mãi trong tôi tình cảm sâu đậm với anh. Những ngày chuẩn bị đi B, chúng tôi sinh hoạt trong cùng một tổ. Mọi việc như học tập Nghị quyết về miền Nam, tập gùi gạo leo dốc, tập bắn súng, tập chạy, lăn lê bò toài ..v..những công việc chuẩn bị của người lính đi B, chúng tôi sát cánh bên nhau. Tất cả mọi người đều biết anh Ngữ là một trí thức có uy tín, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Con trùng, đã từng chỉ đạo phòng chống có kết quả căn bệnh này ở miền Bắc, tình nguyện vào Nam để nghiên cứu Vaccin chống sốt rét cho bộ đội đi B dạo ấy. Ai ai cũng chăm lo cho anh, thường xuyên hỏi ý kiến anh. Ngược lại, biết tôi là Giam đốc Sở Văn hóa, có kinh nghiệm về công tác Tuyên huấn lại tháo vác nên anh cũng thường trao đổi với tôi để làm công tác tư tướng cho đoàn.
Đường hành quân vào Khu ủy Trị Thiên- Huế tưởng gần mà hóa xa. Tôi còn nhớ ngày xuất quân đúng dịp Tết, nhân ngừng chiến mấy ngày. Đoàn chúng tôi lên 4 chiếc xe Commanca. Đi thẳng đến trạm Ho ( Quảng Bình) Rồi từ đó bước đường của người chiến sỹ, gùi gạo, cõng ba lo hăm hở đi vào chiến trường. Những ngày tạm biệt miền Bác vào Nam sao mà lưu luyến!.  Cả đoàn của Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng gồm 12 người do Bác sỹ Nguyễn Tiến Bửu làm Trưởng đoàn và chúng tôi thay phiên nhau chia gánh đỡ chiếc ba lo khá nặng của anh Ngữ.
Anh tự nguyện đi B như bất cứ người chiến sỹ nào với một hành trang không dưới 30kg, đi bộ, leo dốc hàng tháng trời qua nhiều vùng nguy hiểm dưới bom đạn của kẻ thù. Tôi không thể kể hết những vất vả gian nan mà chúng tôi đã chia sẻ với anh. Những lúc nấu cơm sống, những lúc dừng chân dưới mưa tầm tã, do không mắc võng đúng quy định nên đến khuya nước ngập cả võng, phải thức dậy ngồi trọn đêm chờ sáng. Những lúc leo dốc tưởng đứt ruột gan, những lúc đói chia nhau từng miếng lương khô, và nhớ hơn cả là những câu chuyện tâm tình mà chúng tôi đã kể cho nhau nghe trong những đêm mắc võng giữa rừng.
Khi sắp vượt qua đường 9, xẩy ra một sự cố bất thường làm đoàn chúng tôi phải dừng lại gần một tuần. Lính Mỹ mở trận càn quét Đường 9. Tại trạm giao liên, gạo dự trữ cạn dần, chúng tôi phải ăn rất dè sẻn quỹ gạo, muối gùi theo mình. Cả đoàn phải chia nhau đi chặt “Đoắc” trong rừng rồi đem về nấu với ít bột ngọt làm bữa ăn chính. Anh Ngữ cùng chúng tôi vui vẻ ngồi ăn xì xụp bên nhau như trong một gia đình. Trong đoàn của Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng có nhiều Y sỹ, y tá có khả năng văn nghệ, anh Ngữ gợi ý tôi nên tập cho anh chị em hát để làm “ Dân vận “ mỗi khi tới trạm giao liên.. Tôi hưởng ứng ngay, sáng tác tức thời một bài hát lấy tên “ Thương yêu nhất, đường ra mặt trận”, vừa đi tôi vừa tập cho anh chị em trong đoàn hát. Thế là nhóm văn nghệ hành quân ra đời theo sáng kiến của anh Ngữ mà tôi là chủ trò..
Đã 30 năm rồi tôi vẫn còn nhớ lời bài hát Đường ra mặt trận phản ảnh tâm trạng của chúng tôi ngày đó :
Đường yêu nhất, đừơng ra mặt trận
Có gì vui bằng lúc hành quân
Nằm dốc núi nghe rừng xào xạc
Chuyện tâm tình, đợi tiếng hát Châu Loan
Chị em ơi trên đường về quê hương,
Đi vơi nhau cho có chị có anh
Dẫu gian nan, đói no cùng chia sẻ
Đừng ngại gió to, vững lái ta chèo
Đường yêu nhất đường ra mặt tận
Đường dạy căm thù, đường dạy ta biết thương...
Trận càn của Mỹ đã chấm dứt. Chúng tôi vượt qua đường 9 để đặt chân vào chiến khu Quảng Trị rồi sau đó không bao lâu chúng tôi đến trạm giao liên đặc biệt của Khu ủy Trị Thiên – Huế. Đoàn của anh Ngữ được đón tiếp trước rồi được đưa vào hậu cứ. Riêng tôi vì đồng chí Lê Chưởng, phó bí thư Khu ủy, người đã trực tiếp xin tôi vào chiến trường đi vắng nên tôi phải nằm lại chờ ở trạm giao liên, nửa tháng sau mới bắt đầu nhận nhiệm vụ.
Hôm tôi vào nhận công tác ở Khu ủy, đã thấy anh Ngữ ở đó. Lúc bấy giờ anh là khách đặc biệt của Khu ủy. Sau khi làm việc với anh Trần Văn Quang, Bí thư Khu ủy Trị Thiên – Huế, anh Ngữ gặp tôi hỏi :
-      Mình nghe nói mấy hôm nữa có một lớp tập huấn cho cán bộ dưới đồng bằng lên, Hoàn có dự không ?
-      - Có! Tôi trả lời- Tôi được anh anh Quang và anh Lê Chưởng phân công theo dõi lớp học để về làm công tác tuyên truyền của Khu.
-      Anh Ngữ khẩn khoản nói với tôi :
-      - Hoàn làm sao nói hộ cho mình được dự với, mình thèm lắm, nhất là có anh em ở Huế lên, mình muốn hỏi thăm tình hình quê nhà ở An Cựu, lâu lắm mình không được tin tức gì của những người thân.
-      Tôi hỏi lại anh :
-      Thế anh đã trình bầy việc này với các anh ở Khu ủy chưa?
-      Mình không tiện nói, vì các anh đã chỉ thị cho đoàn mình qua bên Bộ Tư lệnh Quân khu để dựa vào đó xây dựng cơ sở nghiên cứu vaccin chống sốt rét.
-      Tôi biết Trung Ương Đảng có điện vào chỉ thị cho Khu ủy phải hết sức lo chu đáo cho anh Ngữ. Tôi đành trả lời anh:
-      Kể cũng khó đấy anh Ngữ ạ, nhưng tôi sẽ cố gắng trình bầy với các anh trong Khu ủy.
-      Sau đó, tôi gặp anh Trần Văn Quang, anh Quang giải thích cho tôi như sau :
-      - Hoàn vào đây công tác lâu dài, còn anh Ngữ chỉ ở lại một thời gian để nghiên cứu vaccin chống sốt rét. Công việc rất cấp bách. Khu vực này không yên, đêm ngày B52, B57 ném bom thường xuyên. Chỗ chúng ta đứng đây không xa giáp ranh là mấy, pháo địch từ Tử Hạ có thể bắn bất cứ lúc nào. Phải bố trí đoàn của anh Ngữ đến chỗ an toàn hơn và bảo đảm hậu cần tốt hơn. Địa điểm mở lớp chỉnh huấn cũng chưa thật an toàn đâu. Thôi, Hoàn gặp anh Ngữ nói lại với anh như thế.
-      Tôi gặp lại anh Ngữ truyền đạt ý kiến của anh Quang. Hai anh em đành tạm biệt, mà lòng không khỏi bùi ngùi. Dẫu sao chúng tôi cũng đã cùng nhau “ đầu gối tay ấp”, “ chia ngọt sẻ bùi” hơn một tháng trên đường hành quân.
-      Chia tay với anh Ngữ xong, tôi đến ở tạm tại hầm của anh Thuyên, Phân xã trưởng của Thông tẫn xã và anh Đặng Đình Loan ( sau này là tác giả Đường thời đại) để chuẩn bị dự lớp tập huấn. Tối hôm ấy một đợt pháo bầy của địch từ dưới xuôi bắn lên trúng vào địa điểm của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là pháo bầy. Đó là một trận mưa pháo cấp tập, bất ngờ, chụp xuống đầu không còn cho ai kịp làm gì được nữa. Cây cối xung quanh đổ rạp như một trận động đất. Tôi cùng Thuyên và Loan cố lao xuống hầm. Khi tiếng pháo đã im chúng tôi mới biết Thuyên bị thương, một mảnh đạn găm vào chân. Tôi và Loan vội băng vết thương cầm máu cho Thuyên, chuẩn bị để ngày hôm sau cáng Thuyên sang bệnh xá của Quân khu. Mờ sáng hôm sau tôi đã nghe tiếng bì bõm ở ngoài suối và một giọng Huế ấm áp cất lên:
-      - Trần Hoàn có đây không?
-      - Có, ai đấy?- Tôi trả lời
-      Ngữ đây mà. Nghe nói pháo bắn lên. Có việc gì không?
-      Không việc gì anh ạ, nhưng anh Thuyên bị thương.
-      Bị thế nào ?
-      Nói xong, anh Ngữ vào hầm với bộ đồ nghề tói thiểu mà cậu cần vụ lúc nào cũng xách theo. Anh tháo băng xem xét vết thương của Thuyên rồi tháo tiếp garô , lắc đầu nhìn tôi:
-      Đúng là dân văn nghệ, chẳng biết gì về Y tế. Chỉ nên Garô một thời gian thôi, rồi tháo ra khi máu đã cầm. Nếu để lâu khéo phải cưa chân mất.
-      Lần đó tôi được anh dậy cho một bài học về nghề y.
-      Chúng tôi uống hết một ấm trà của đồng bằng gửi lên do Loan pha vội. Rồi chia tay với tôi anh nói :
-      Thôi mình cùng anh em trong đoàn hành quân sang Quân khu đây. Không dự được lớp tập huấn với Hoàn tiếc quá, nếu có tin tức gì về Huế, Hoàn báo cho mình biết với nhé. Có dịp mình sẽ tạt ra gặp anh em cho đỡ nhớ.
-      Chúng tôi ôm nhau, có ngờ đâu đó là lần chia tay cuối cùng.
-      Hai ngày sau, tôi bước vào lớp tập huấn. Phụ trách lớp có anh Hoàng Ngọc Quang ( nay là Thiếu tướng) và anh Lê Tư Sơn ( sau này là phó chủ tịch Tỉnh Bình Trị Thiên ) cả hai đều là cán bộ tuyên huấn của Trị Thiên- Huế. Còn tôi là lính mới bổ xung. Buổi khai mạc lớp học, đồng chí Trần văn Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy nói chuyện về tình hình nhiệm vụ mới. Gần 40 anh chị em cán bộ cơ sở từ đồng bằng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lên háo hức nghe phổ biến chủ trương về cuộc tấn công nổi dậy của nhân dân ta trong năm 1967. Phổ biến xong đến trưa anh Quang về lại căn cứ. Đường đi bộ từ lớp học về đó khoản 2 tiếng đồng hồ. Nhưng chừng một tiếng sau thì bom B52 bỗng nhiên chụp xuống khu vực chúng tôi đang tập huấn kéo dài đến ba đợt. Cả khu rừng chao đảo. Chúng tôi lo lắng không biết anh Quang có bị dính bom không?. Sau giây phút bàng hoàng, lớp học lại chấn chỉnh đội hình và tiếp tục làm việc. Đến tối tôi điện thoại về văn phòng khu ủy hỏi tin tức, được biết anh Quang đã về tới hậu cứ anh toàn. Tôi thở phào, nhưng đầu dây nói bên kia anh Nguyễn Đức Hân, cán bộ văn phòng Khu ủy báo cho tôi biết một cái tin rụng rời:
-      Anh Ngữ đã hy sinh rồi !
-      Sao? – Tôi không tin vào tai mình nữa – Tôi mới gặp anh đây cơ mà !
-      Anh Ngữ vừa hy sinh trong trận bom trưa nay !
-      Tôi buông điện thoại xuống, nước mắt tràn ra. Thế là tất cả dự định của anh đều dang dở. Đoàn chống sốt rét thân thiết như ruột thịt đối với tôi từ nay mất người  thầy, người cha. Thế là sự mong chờ của biết bao chiến sỹ đang sốt rét vật vã đã bị hẫng hụt. Còn đối với tôi đó là một mất mát không gì bù đắp được. Tôi đã mất đi một người bạn lớn, một người anh tài năng, đức độ, trung thực, chân thành và hết sức vị tha !.
-      Bây giờ ngồi nhớ lại những phút cuối cùng của anh sao mà đau xót quá! Hôm ấy đã có thông báo của trên sắp đến giờ B52 hoạt động. Người chiến sỹ liên lạc kịp xuỗng chỗ anh Ngữ để thông báo tin trên, mời anh xuống hầm. Ở chiến trường ngày ấy, chúng tôi thường xuyên được Trung ương thông báo trước những giờ B52 có thể ném bom để kịp thời trú ẩn. Nhưng nhiều khi B52 lại ném bom ở nơi khác, vì chỉ có thể biết giờ hoạt động của chúng chứ không thể biết trước được địa điểm hoạt động của chúng. Bởi vậy nhiều người có ý nghĩ không nên bị động với B52, việc mình cứ làm nếu không thì không làm gì được cả vì B52 hầu như hoạt động suốt ngày. Không biết anh Ngữ có nghĩ như thế không. Nhưng sự thật là anh không xuống hầm kịp. Đó là vào lúc 14 giờ ngày 1-4-1967. Một bộ phận lớn anh chị em trong đoàn hôm đó xuống khu vực  giáp ranh để lấy gạo từ đồng bằng lên, còn lại ở căn cứ một bộ phận nhỏ tiếp tục hoàn chỉnh nơi làm việc như đào hầm , làm láng trại, lợp mái lá, vót mây. Cùng ở lại với anh Ngữ có cô Tuyên người Hung Yên, hát rất hay, cô Thành người Phú Thọ và cô Oanh cũng người Hưng Yên. Các cô đang vót mây chờ khi đoàn về tiếp tục làm hầm. Hầm tuy được đào xong nhưng còn lộ thiên. Anh Ngữ đang ngồi làm việc bên kính hiển vi thì đồng chí liên lạc đến báo. Anh Ngữ vừa làm việc vừa đáp lại :
-      - Thôi, giờ báo động cũng đã đến rồi, mà bọn mình cũng đang ngồi dưới hầm đó thôi. Dễ gì mà nó ném trúng!
-      Người chiến sỹ liên lạc đã không đủ kiên quyết cần thiết để đưa giáo sư về căn hầm an toàn hơn. Và thế là cái gì phải đến đã đến : Một trong hai quả bom lạc mà ở nơi tập huấn tôi nghe tiếng nổ rất rõ đã rơi trúng vào nơi anh Ngữ cùng hai cô y tá Tuyên và Thành đang ngồi. Cô Oanh ngồi cách đó bị bắn ra xa nhưng thoát được.
-      Tôi thương anh Ngữ, thương cả đoàn chống sốt rét bơ vơ như đàn con mất cha,thương các cô Tuyên, cô Thành tuổi mới 18, 20 ngày nào trên  đường hành quân tôi còn dậy hát, ngâm thơ, lại ngẫm mình biết có qua khỏi những chuyện bất ngờ rủi ro như vậy không. Ngày chia tay với đoàn chống sốt rét trở về Bắc, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc. Từ đó đến nay đã tròn 30 năm trôi qua tuổi đời tôi gần 70 mà tôi không bao giờ quên giọng nói dịu dàng, nụ cười chân thật, phong cách sống dản dị gần gũi, suy nghĩ lớn mà thiết thực, ý chí đanh thép và tình cảm tràn đầy của anh Ngữ, người đồng chí, đông hương, người trí thức đúng với nghĩa đích thực của nó, đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp của Tổ quốc và Nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét