Vào ngày đầu tiên của Tế Át Mùi, tôi nhận được một món quà rất quý của Trường Đại Học Y tặng. Đó là một qyuển sách viết về Ba tôi với tên đề là : Đặng Văn Ngữ Một Trí Thức Việt Nam.
Trong một chương trình Cà Phê Sáng với VTV3 gần đây Đài đã có một cuộc phóng vấn ngắn với anh Nhật Minh để anh có dịp giới thiệu ngắn gọn về quyển sách này.
Sau đó nhân dịp ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27-2 anh Minh có viết một bài về Ba tôi và đã được Đăn trên Dân Trí với đầu đề :
Những mất mát đau thương trong gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Entry này khá dài. nếu ai có ít thời gian xin cứ bỏ qua không đọc.
Những mất mát đau thương trong gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Dân trí Là một trí thức lớn, một tài năng lớn nhưng trong cuộc đời GS. Đặng Văn Ngữ và những người thân của ông đã phải gánh chịu nhiều mất mát, đau thương…
>> NSND Đặng Nhật Minh kể về những “tài sản để lại” của GS. Đặng Văn Ngữ
>> Bức thư cuối cùng GS. Đặng Văn Ngữ gửi con trai Đặng Nhật Minh
Sự ra đi đột ngột của vợ GS. Đặng Văn Ngữ
Viết về hôn nhân của GS. Đặng Văn Ngữ và bà Tôn nữ thị Cung, bà Ngọc Trai (em gái của bà Tôn nữ thị Cung) có viết, “Chị Cung tôi là một người con gái ngoan hiền và xinh đẹp nhất của Thầy ( cha ) tôi. Nếu nói vẻ đẹp sắc sảo thì trước hết phải kề đến chị Kỉnh là chị trên chị Cung, hồi ấy cũng chưa lấy chồng. Nhưng có lẽ, anh Ngữ yêu thích vẻ đẹp dịu hiền và đằm thắm của chị Cung nên đã xin gia đình hỏi chị Cung và được Thầy tôi chấp nhận…”.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ và vợ- bà Tôn nữ thị Cung
Lấy nhau, sau khi bà Tôn nữ thị Cung sinh được 3 người con là Đặng Nhật Minh, Đặng Nguyệt Ánh, Đặng Nguyệt Quý, GS. Đặng Văn Ngữ lên đường sang Nhật du học. Thời điểm này, bà Tôn nữ thị Cung về Huế sống cùng gia đình nhà chồng ở An Cựu. Mãi đến năm 1949-1950 khi GS. Đặng Văn Ngữ về nước tham gia kháng chiến, bà Tôn nữ thị Cung bồng bế 3 con đi bộ từ Huế ra Việt Bắc để gia đình đoàn tụ.
Sau hàng tháng trời đi bộ, gia đình GS. Đặng Văn Ngữ đã được đoàn tụ ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ở đây, bà Tôn nữ thị Cung nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống kháng chiến, trở thành đồng nghiệp của chồng tại phòng thí nghiệm điều chế penicillin. Hạnh phúc bên chồng, bà Tôn nữ thị Cung như được tiếp thêm sức mạnh, bà được đồng nghiệp yêu mến, được tín nhiệm bầu là chiến sĩ thi đua, được gặp Bác Hồ trong chỉnh huấn năm 1953 trên Việt Bắc.
Vợ chồng GS. Tôn nữ thị Cung và 2 con gái Đặng Nguyệt Ánh, Đặng Nguyệt Quý
Năm 1954, trong lúc GS. Đặng Văn Ngữ đi học tập chỉnh huấn đợt hai xa, bà Tôn nữ thị Cung cùng cơ quan được lệnh gấp rút dọn dẹp phòng thí nghiệm để kịp di chuyển theo đúng thời gian quy định. Vì quá mệt nhọc, căng thẳng, bà Tôn nữ thị Cung đã đột ngột ngất xỉu, hôn mê trong nhiều ngày. Ngay khi nhận được hung tin, GS. Đặng Văn Ngữ vội vàng trở về, nhưng dù đã cùng với đồng nghiệp là bác sĩ Hồ Đắc Di đã nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa, Giáo sư đã không thể cứu được vợ mình.
Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng nhắc đến sự ra đi đột ngột của người mẹ- đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vẫn còn xúc động. Đạo diễn nói, “Mẹ tôi mất quá sớm, lúc chỉ mới 37 tuổi .. Đó là sự mất mát đầu tiên trong gia đình tôi".
GS. Đặng Văn Ngữ và các con
Sau khi vợ mất, GS. Đặng Văn Ngữ ở vậy nuôi 3 con trưởng thành. Dù nhiều lần chính gia đình bên vợ giục Giáo sư đi thêm bước nữa để có người chăm sóc, đỡ đần, nhưng Giáo sư luôn từ chối, với lý do “Làm sao tìm được một người thứ hai như Cung?”. Bao nhiêu tình yêu thương, Giáo sư dành hết cho các con mình.
Sự hy sinh lặng lẽ của GS. Đặng Văn Ngữ
Năm 1967, chuyến đi công tác dài ngày nghiên cứu vắc xin chống bệnh sốt rét ở Trường Sơn đã trở thành chuyến đi cuối cùng của GS. Đặng Văn Ngữ. Giáo sư và những đồng nghiệp của mình đã hy sinh trong một trận bom B52 rải thảm ở khu căn cứ thuộc địa phận phía Tây Thừa Thiên- Huế.
Viết về sự ra đi của GS. Đặng Văn Ngữ, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh đã viết, “Cha tôi nằm lại trên Trường Sơn lặng lẽ suốt 20 năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông như mộ một người lính vô danh bởi vì trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ -1/4/1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ nào đó chưa rõ tông tích nên đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Mãi năm năm sau anh em chúng tôi mới tìm được để đưa cha mình về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình”.
Gia đình GS. Đặng Văn Ngữ
Theo đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, “Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn dưới trận mưa bom B52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc”.
Con gái của GS. Đặng Văn Ngữ qua đời vì quá đau buồn trước sự ra đi của cha
GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh năm 1967 ở Trường Sơn, 2 năm sau, con gái út của ông là Đặng Nguyệt Quý đã qua đời (năm 1969) tại Leningrad vì quá đau buồn khi nghe hung tin về cha mình.
Kể về sự ra đi của em gái mình, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh cho biết, em gái ông đã qua đời khi đang theo học về môn Vật lý khí quyển tại trường ĐH Tổng hợp Leningrad. Nghe tin GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh, con gái Đặng Nguyệt Quý đã trải qua cú sốc quá lớn về tinh thần, cộng thêm sự đơn lẻ một mình ở xa gia đình không có người thân bên cạnh an ủi, nên đã đổ bệnh và qua đời vào năm 1969 khi mới ngoài 20 tuổi.
Đọc trong cuốn sách “Đặng Văn Ngữ- Một trí thức lớn, một nhân cách lớn” của NXB Y học có đăng tải những bức thư Đặng Nguyệt Quý gửi cho chị gái Đặng Nguyệt Ánh sau khi nghe tin cha hy sinh có thể thấy những đau buồn, khủng hoảng trong tinh thần, tình cảm của cô con gái út dành cho cha thân yêu mình.
Gia đình GS. Đặng Văn Ngữ tại Ngòi Quãng- Chiêm Hóa- Tuyên Quang năm 1951
Trong đó, có bài thơ Đặng Nguyệt Quý sáng tác dành tặng “Ba” (cách gọi cha trong gia đình GS) đặc biệt xúc động. Bài thơ là tình cảm yêu kính thiêng liêng, là nỗi đau buồn trĩu nặng, là sự mất mát to lớn trong tâm can không gì bù đắp được.
Chúng tôi xin được trích đăng bài thơ con gái út Đặng Nguyệt Quý viết tặng hương hồn cha để thay cho lời kết của bài viết như một sự chia sẻ tận đáy lòng những đau thương mất mát của một gia đình trí thức đi theo cách mạng.
“Tiếng ai hát trên Trường Sơn mây trắng
Dồn bước đi về phía quê nhà
Mỗi bước đi rừng núi nở hoa
Hoa thắm đỏ như máu Ba đã đổ
Con muốn là bông hoa nho nhỏ
Ven mộ Ba ngày tháng bên Ba
Nối tiếp bước đi, hát tiếp bài ca
Trên Trường Sơn mây trắng :
Máu thắm đường ta đi
lẫn mồ hôi rơi
lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”
Hiền Hương
Đặng đức hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét