TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU
TỪ NHỮNG SỰ KIỆN THÁNG
BA
I
Quả thật tôi không tin nổi mắt mình khi đọc những dòng tin
trên VN Express ngày 15.3.2014 : "dịp 27 năm ngày Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ, cưỡng chiếm Gạc Ma (14/3/1988),
một số người dân yêu nước đã đặt lẵng hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). “Công an thành phố
được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi,
hoạt động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên
quan đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã
tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước”, ông Chung nói".
Ông Chung đây là thiếu tướng Nguyễn Đức Chung , Giám đốc Công an Hà Nội.
Bài báo viết tiếp : "Về nhóm thanh niên mặc áo đỏ in dòng chữ "DLV",
ông Chung cho biết, có thể đó là lực lượng tự phát, công an thành phố đang tổ
chức xác minh. Ông còn nói rõ : “Công an thành phố được
giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt
động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan
đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham
gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, công an thành phố đang tổ chức
xác minh và khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí. Là người trực tiếp chỉ
đạo công tác đảm bảo an ninh tại hiện trường, tướng Chung cho hay đã yêu
cầu giải tán nhóm thanh niên trên và sau khi được thuyết phục họ đã tự động rút
đi".
Bài báo còn cho hay : " Liên quan đến phát ngôn của
Trưởng ban tuyên giáo Hồ Quang Lợi về việc "Hà Nội có hơn 900 dư luận
viên", Phó ban tuyên giáo Phan Đăng Long lý giải, dư luận viên là lực
lượng đại diện cho các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh nằm rải khắp
từ thành phố đến quận huyện. Họ nắm những vấn đề người dân đang bàn luận, quan
tâm rồi tập hợp lại báo cáo thành phố. “Lực lượng này không bao giờ xuống
đường”, ông Long khẳng định".
Với tôi, đây là một tin tốt lành, tạo được một niềm phấn
khích trong bộn bề suy tư về vận nước trong những ngày dồn dập nhiều sự kiện,
khiến tôi không đừng được việc gọi điện ngay cho hai anh Đào Xuân Sâm và Việt
Phương, những người bạn vong niên thân
thiết nhất của tôi.
Gọi ngay cho anh Sâm vì mới tuần trước đây khi trao đổi về
thời cuộc, anh thổ lộ: nếu cứ thế này thì mình chết không nhắm được mắt.
"Cứ thế này" là cứ những gì đây? Là cứ kéo mãi tình trạng tồi tệ đã
quá dài khi cố tình bỏ quên một cuôc chiến tranh xâm lược và cuộc chiến đấu
kiên cường để đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược tàn ác đó. Có thể nói là tàn
ác hơn sự tàn ác của những kẻ thù mà ông cha chúng ta đã phải đương đầu. Vì
những tên lính Trung Quốc xâm lược hôm nay chính là hậu duệ của những Thoát
Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi thế kỷ XIII, của những Liễu Thăng, Vương Thông thế kỷ
XV, của những Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh kỷ XVIII, đã học được
những bài học của ông cha chúng và đã vượt ông cha chúng.
Thì chẳng phải chúng là quân dưới trướng tên tướng Hứa Thế
Hữu, hậu duệ đời thứ tư của bại tướng Hứa Thế Hanh [từng bị giết chết trong
trận Ngọc Hồi thế kỷ XVIII từng được vua Càn Long nhà Thanh phong là tam đẳng Tráng Liệt Bá, đưa vào thờ trong Chiêu Trung
Từ] khoác áo đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng đã tiếp tục xuất
sắc chính sách của cha ông chúng là giết sạch, phá sạch như trước đây
trong "mật chỉ" của Minh Thành Tổ gửi tướng viễn chinh Vương Năng năm
trăm năm trước đó sao?
Khi Hứa Thế Hữu thất bại, Dương Đắc Chí thay, cũng tiếp tục
chính sách đó. Và rồi với cuộc chiến Gạc Ma trên Biển Đông, chúng cũng vẫn nhất
quán một chính sách như vậy. Tờ báo Hoàn Cầu của đảng cộng sản Trung Quốc không
úp mở mà nói thẳng những toan tính của chúng. Năm 2013, trang quân sự của Sina
(Trung Quốc) thực hiện bài phỏng vấn Từ Hữu Pháp – Chính ủy tàu 531 – người
được báo chí Trung Quốc gọi là “nhân vật chính” của sự kiện Gạc Ma, cho biết
rằng với mỗi tốp lính Trung Quốc chuẩn bị đổ bộ lên Đá Gạc Ma, Từ Hữu Pháp đều
đưa ra chỉ thị: “Một
khi đã nổ súng thì phải đánh thật quyết liệt, giết chết toàn bộ, không để lại
một mạng nào”. Từ Hữu
Pháp nói “đó là nguyên văn những gì tôi truyền đạt cho binh
lính”.
Vậy thì vì lẽ gì mà người ta buộc những nạn nhân của sự dã
man àn ác đó, buộc cả một dân tộc phải im lặng? Thậm chí ai đó đã dám làm cái
việc thất nhân tâm là đục bỏ những chữ đã khắc trên tấm bia ghi dấu cuộc chiến
tranh biên giới, đập bỏ tượng một nữ anh hùng liệt sĩ dựng tại một trường học ở
Lạng Sơn. Trước Tòa án hiện hành cũng như trước Tòa án Lương tâm thì những hành
động trên thuộc vào điều thứ mấy trong bộ Luật Hình sự cũng như bộ Luật Dân sự.
Những cứ muốn nhờ VTV1 hỏi giúp ông Chủ tịch Quốc hội và các ông Chánh án Tòa
án tối cao và Viện trưởng Viện Kiệm sát Nhân dân tối cao chuyện này vì VTV1 vừa
tường thuật khá sống động và hoành tráng cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
chât vấn về những vấn đề liên quan đến luật pháp và xét xử.
Lại còn chuyện một thời gian dài người ta né tránh việc gọi
tên các tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam nên phải sáng tác
ra một thuật ngữ mới là tàu lạ. Tàu thì lạ, nhưng bụng dạ thì quen, là
nói bụng dạ kẻ thù nhân thể cũng nói toẹt ra ra là bụng dạ của "một bộ
phận không nhỏ" những ai đó sợ bóng sợ vía con ma Thành Đô nên cứ ấp a ấp
úng, theo cách diễn đạt của cụ Nguyễn Du là "Ra tuồng lúng túng chẳng
xong bề nào", thì rồi đây trong kho từ vựng của tiếng Việt sẽ đặt tên
cho thuật ngữ mới đó là sáng tác của ai, ai biên soạn, ai chủ biên và bối cảnh
thời đại của sự xuất hiện?
Chính những chuyện đó làm cho một người đã cầm súng từ năm
1947 nay đã 92 tuổi phẫn uất mà nói gở việc chết không nhắm được mắt đấy. Mà
người đau đớn thốt ra câu bi phẫn đó chính là người đã chứng kiến và có góp
phần vào quá trình diễn biến có ý nghĩa lịch sử của ĐỔI MỚI TƯ DUY dẫn đến việc
viết lại Báo cáo Chính trị để đọc tại đại hội VI của Đảng theo quyết định của
ông Trường Chinh, sau đó là Tổ phó Tổ Tư vấn chúng tôi do Thủ tướng Võ Văn Kiệt
lập ra, năm nay ông già Sâm đã 92 tuổi. Tôi gọi cho anh là cốt đem lại cho anh
một tia lửa vừa được khơi ra từ đống tro của sự âm ỷ những day dứt suy tư.
Thế còn tại sao gọi Việt Phương ? Người hiện đang được chăm
sóc tại bệnh viện sau một ca cấp cứu hiểm nghèo. Thế mà lúc nhận được điện
thoại của tôi mà với tin mở đầu tôi cố nói ngay để đưa một nét vui đến bên
giường bệnh, giọng anh mạnh mẽ và hoạt bát hẳn lên. Để anh khỏi mệt thêm vì
những câu hỏi dồn dập về những việc tôi đã và đang làm, tôi nói ngay tin về
tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại thành phố Hồ Chí Minh mà tôi đã tham gia, nội
dung những lời tôi nói trong lễ tưởng niệm ấy. Tôi nói nhanh với anh rằng chính
lời tuyên bố xấc xược và ngạo mạn của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
xem Biển Đông là ao nhà của y khiến trong đầu tôi liên tưởng đến viên tướng Tàu
Vương Thông bị vây riết ở thành Đông Quan rồi phải xin hàng được nói đến trong
Cáo Bình Ngô mà bật ra cho hả giận phần nào. Tôi nói với Việt Phương qua điện
thoại "anh Phương ơi, câu thơ anh tặng Tg "Cuộc đau đã sắp tàn
canh/ Thì xin đón nhận phước lành yêu thương". Chắc là cũng "chưa tàn
canh" cuộc đau này như mong mỏi đâu, nhưng những gì đang xảy ra thì đã cho
thấy những tín hiệu".
"Mình cũng hy vọng thế", anh Việt Phương
trả lời. Qua giọng nói, tôi hình dung được ánh mắt của người luôn tin rằng
"đời đang đón đợi để đong đầy". Niềm tin của một nhân chứng
từng là trưởng đoàn Thư ký Đại hội II ở Việt Bắc 1951 và vẫn là tiếng nói có
trọng lượng được lắng nghe, cũng là người có đóng góp khá quyết định trong Tổ
Tư Vấn và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ của chúng tôi, nay cũng đã 88
tuổi đang phải nằm viện, và tôi biết là rất cần một tin vui.
Đầu óc tôi cứ chập
chờn ý nghĩ rằng Vương Nghị tiên sinh là hậu duệ của Vương Thông như kiểu Hứa
Thế Hữu là hậu duệ của bại tướng Hứa Thế Hanh, và cố vẽ ra trong đầu một kịch
bản cho ai đó cũng có chữ nghĩa học hành hẳn hoi biết nhớ đến truyền thống cha
ông để học được một phần bản lĩnh, khí phách của Lê Thái Tổ , Quang Trung trong
kế sách và ứng xử với quân xâm lược "chúng đã vẫy đuôi phục tội, ta
cũng mở đường hiếu sinh". Nhớ lại lời của Lê Thái Tổ “Trả thù báo oán là thường tình của mọi
người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức". Nhớ đến lời Quang Trung nói với Ngô
Thì Nhậm : "nay ta đến đây tự
đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi...nhưng nước Thanh lớn hơn nước ta
đến mười lần, bị thua chắc phải tìm cách rửa hận. Nếu cứ để binh lửa liên miên,
thực không phải là phúc của nhân dân, lòng ta sao nỡ. Vì vậy, sau khi thắng
trận phải khéo dùng từ lệnh thì mới dập tắt được lửa binh". Với bài văn tế những tên xâm lược xấu số được
tuyên đọc tại "Gò Đống Đa" là một biểu hiện sống động của từ lệnh đó
: " Nay ta cho thu nhặt xương cốt
chôn vùi. Bảo lập đàn bên sông cúng tế. Lòng ta thương chẳng kể người phương
Bắc. Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới
trời Nam. Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ ". Chỉ nửa năm sau
"sự kiện Đống Đa", Quang Trung đã lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà
Thanh!
Nhưng chỉ có thể nói được những
câu đó, có được những quyết sách đó khi bản thân người nói, người đưa ra quyết
sách đã từng "nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối", và phải bằng sự trải
nghiệm ấy mới có được cái đởm lược của người gánh vác trọng trách trong ứng xử
với kẻ thù. Chứ với những ai trong thâm tâm cứ vấn vương những lời hứa hẹn viển
vông đường mật để rồi cố bấu víu vào để hy vọng hão huyền rằng: mềm dẻo ngoại giao thương lượng có thể tránh
được nạn binh đao vì kẻ thù quá mạnh thì không sao có được đâu! Chính sự mơ hồ
và quá lú lẫn đó mà dẫn tới thái độ khiếp nhược, ươn hèn làm nhục đến truyền
thống ông cha, xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc đưa tới thảm họa cho đất nước.
Phẫn nộ về sự im lặng đáng trách
trước lời xấc xược của viên Bộ trưởng ngoại giao họ Vương, trong óc tôi hiện
lên khí phách của sứ thần Đỗ Khắc Chung đời Trần
tại trại giặc với câu trả lời viên tướng Ô Mã Nhi khi y quát nạt, hạch sách về hai
chữ "Sát Thát" được khắc trên cánh tay tướng sĩ Việt Nam :
"vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ lên cánh tay, vua của tôi không
biết việc đó. Tôi là trung thần, sao không có " nói đoạn, vén áo chìa
cánh tay có hai chữ Sát Thát cho Ô Mã Nhi xem. Viên tướng xâm lược sau đó nói
với tả hữu rằng "người này ...Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước
nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được", rồi sai người đuổi theo
bắt để giết đi nhưng không kịp. Ứng xử ngọai giao đối với nước lớn, lại là nước
lớn luôn thường trực hành động ăn cướp, không chỉ là cướp đất, cướp của cải mà
thâm hiểm nhất là cướp người, cướp cái khí phách quật cường "thà làm ma
nước Nam không thèm làm vương đất Bắc" để dễ bề khuất phục một dân tộc
nằm trong vị thế địa-chính trị oái oăm trứng chọi đá song vẫn ngoan cường tồn
tại và phát triển thì ông cha ta có đủ kinh nghiệm truyền lại. Đó là một thách
đố trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta suốt mấy nghìn
năm, "dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có"
chứ đâu chỉ phải bây giờ.
Khác chăng là kẻ xâm lược trong thời hiện đại lại sử dụng
một thủ đoạn cũng hiện đại hơn là khẩu hiệu bịp bợm và lừa mị "cùng
chung ý thức hệ" để cho một bộ phận ai đó đã lâm vào cái thế "nhả
chẳng ra cho, nuốt chẳng vào" đã đâm lao phải theo lao, vô hình trung
trở thành con tin trong thủ đoạn lừa mị nham hiểm ấy, giúp Bắc Kinh giữ Việt
Nam trong quỹ đaọ kìm kẹp của chúng.
Trong bối cảnh dồn dập những sự kiện của hội nhập quốc tế
và những biến động đẩy tới những đột phá, trong đó nghe đâu có chuyến đi Mỹ của
ông Tổng bí thư trước hay sau chuyến công du Trung Quốc "cùng chung ý
thức hệ", thì việc gợi lại những bài học lịch sử nói trên với dụng ý
nhắn gửi những mong mỏi cũng là cần thiết. Chính vì thế mà tôi gọi điện thoại
cho anh Đào Xuân Sâm và anh Việt Phương để nói với các anh rằng : với thông tin
trên Vn Express mà tôi trích dẫn, cho dù có nhiều bình luận sốt dẻo trên mạng
với nhiều xu hướng thuận nghịch khác nhau, trái chiều, nghi vấn, đụng độ quyết
liệt đều có cả, nhưng với nhận thức chủ quan riêng mình, tôi vẫn nói với hai
anh, những người đang chờ đợi những tín hiệu mới giúp tăng thêm hy vọng. Mà
thêm hy vọng cũng là thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật để cùng chúng tôi góp
tiếng nói chân tình và quyết liệt thúc đẩy xu hướng đổi mới nhằm tạo ra một
bước đột phá có ý nghĩa mở đường như đã từng có năm 1986 của Đại hội VI với Đại
hội XII sắp tới.
Nói mở đường, trước hết là phải thoát khỏi quỹ đạo lệ thuộc
vào chủ nghĩa bành trướng Đại Hán mà thế lực cầm quyền hiếu chiến Băc Kinh đang
thực hiện, là đẩy tới đà hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tạo ra một thế liên minh mới
nhằm tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ, lãnh hải.
Chưa bao giờ triển vọng hội nhập quốc tế để phát triển bền
vững lại sáng sủa như những ngày vừa qua, trong đó những bước hoàn tất để Việt Nam gia nhập
TPP đang là những hứa hẹn. Vì vậy, tôi vẫn cứ muốn hết sức cổ vũ cho những lời
giải thích có phần lúng túng song vẫn mang dáng dấp của một tuyên bố từ một trụ
cột của quyền lực Thủ đô, Giám đốc Công an Hà Nội, xem đó là tín hiệu về một
sự chuyển biến đang hướng tới những đột phá mà cuộc sống đất nước đang chờ đợi.
Vì sao? Vì đây là lần đầu tiên trên trang báo chính thống
của nhà nước nói một cách công khai, minh bạch và rất dứt khoát : "dịp
27 năm ngày Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ, cưỡng chiếm Gạc Ma (14/3/1988),
một số người dân yêu nước đã đặt lẵng hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Chẳng những thế, bài báo con dẫn ra
rất rành rọt, thẳng thắn tuyên bố của ông Thiếu tướng Giám đốc CA Thủ đô, trái
tim của đất nước :“Công an thành phố được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật
tự. Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt động của người dân có lòng yêu nước
với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ
những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng
của đất nước!". Quả là "thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi".
Phải chăng từ hôm nay, những hành động biểu thị lòng yêu
nước chống Trung Quốc xâm lược của mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là của tuổi
trẻ Việt Nam sẽ được tôn trọng và được bảo vệ bởi lực lượng Công An? Thế là từ
nay những bọn côn đồ thuộc "lực lượng tự phát", cho dù đã mạo danh
"dư luận viên" dù có khóac lên người tấm áo có in phù hiệu "dư
luận viên" như bọn côn đồ quậy phá hôm 14.3.2015 ở Hà Nội mà Công an
"đang tổ chức xác minh", thì những người yêu nước có quyền và cần
nhanh chóng tóm cổ chúng, nộp cho công an, để công an khỏi phải mất công xác
minh.
Chính vì thế, đây đúng là một tin vui. Nói một cách thăng
hoa thì cần xem đây là một sự kiện "có ý nghĩa lịch sử", hoặc cũng có
thể nói rằng, lịch sử đã lên tiếng. Người ta đã không thể quên, không
dám quên những người đã góp máu mình làm nên lịch sử cho dù bị vô vàn những
sức ép đến từ nhiều phía : Đến từ kẻ thù muốn xóa tội ác do chúng gây ra, và
cũng đến từ những ai đó "trót vì tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết
khôn làm sao đây" vì những hứa hẹn của gắn bó lợi ích, bây giờ há
miệng mắc quai phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà làm điều thất đức, vô luân, đi
ngược đạo lý, dày xéo lên danh dự tổ quốc.
Trong suy ngẫm của tôi, lời tuyên bố của ông Thiếu tướng
Giám đốc CA Thủ đô cũng như lời tuyên bố của ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam trong lễ đặt viên đá khởi công xây đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma
"Đây là công trình tưởng niệm của toàn dân tộc" có một ý nghĩa
biểu tượng sâu sắc. Không chỉ là không thể quên, không dám quên những người
đã góp máu mình làm nên tổ quốc mà cả dân tộc nhớ đến những người đã ngã
xuống ở Gạc Ma tại Trường Sa 1988, đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa
1974, trên cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, tiếp đó là chiến tranh biên
giới phía bắc 1979 và rồi trên Biển Đông. Nhớ, để từ đây còn phải quyết liệt
đối phó, vạch trần trước công luận những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù đang
ngạo ngược thực thi "chiến lược đảo nhân tạo" mà chúng dám tuyên bố
đó là xây trên "sân nhà" của chúng. Những tuyên bố đó thật có ý nghĩa
khi ông Nguyễn Phú Trọng đang chuẩn bị đi Mỹ.
Thái độ công khai và minh bạch đối với những mưu toan thâm
độc của Trung Quốc, một siêu cường đang hung hãn diễu võ giương oai nhưng lại
đang đối diện với sự nghi ngờ và phê phán của thế giới trong bối cảnh của chiến
lược xoay trục sang châu Á của Mỹ hòa nhịp với sự gắn kết của khối ASEAN, cùng
với đường lối phối hợp nhằm gìn giữ hòa binh và an ninh khu vực trên tuyến hàng
hải quốc tế của Ấn Độ, Indonesia, Uc, Nhật Bản... là một thử thách. Sẽ là nhân
vật của lịch sử biết nắm lấy thời cơ, vận hội vượt lên thách thức để đưa đất
nước đi tới, hay sẽ là tội đồ của lịch sử nếu vẫn ngoan cố bám giữ những giáo
điều mục ruỗng đã bị thực tiễn vứt vào sọt rác lịch sử từ lâu, đánh mất cơ hội
như đã từng bị đánh mất bởi chính sự trì trệ, bảo thủ và lú lẫn ấy, khiến dân
tộc còn phải chìm đắm trong trì trệ, lạc hậu và lạc điệu với thế giới.
Tôi không nối điện thoại với anh Việt Phương nữa, mà chỉ
thầm đọc lại mấy câu thơ của anh đã từng nói về bến lú sông mê, về cái hữu hạn
và cái vô biên trong cuộc sống thực đang diễn ra hàng ngày :
Bến mê sẵn
bắc nhịp cầu
Mà sao trắng thế chưa màu nào xanh
Thì vô biên
giữ để dành
Một mai hạt bụi sẽ thành ngày nay
Nhưng
rồi liệu con người từng
Thấu mọi nhẽ thăng trầm thực ảo
Thế mà khờ khạo như bóng mây
có
còn đủ sức, đủ sự quyết liệt để nhận ra những sự thật đắng cay này :
Có sự trung thành
dệt bằng phản phúc?
II
Và đến đây thì tôi dứt khoát không gọi điện thoại cho hai
người bạn vong niên kia nữa, vì những điều tôi đang viết sẽ làm loạn nhịp tim
của hai ông già đang day dứt những lo toan về vận nước. Chẳng nhẽ "vận
nước" đang hé lộ những tia vui, như một ngọn gió xuân tốt lành từ tượng
đài "Tưởng niệm những người đứng lại phía chân trời" được xác
định dựng lên trong lòng dân tộc thì cũng vào lúc ấy, "vận
xấu" dường như lại đang "vận" vào Hà Nội thủ đô hay sao ấy mà
chỉ trong mấy ngày sau Tết Nguyên tiêu lại diễn ra cuộc thảm sát cây xanh
khiến lòng người buốt giá.
Phụ họa với cuộc thảm sát ngu dại, tàn nhẫn và thê thảm ấy
là ai đó chỉ đạo cuộc quậy phá lễ tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc
Ma của người dân Thủ đô, một bọn côn đồ mà Giám đốc CA Hà Nội nói rõ là "lực
lượng tự phát, công an thành phố đang tổ chức xác minh, đã phơi bày
một bộ mắt phản văn hóa tệ hại nhất. Đau đớn nhất là bọn côn đồ thuộc "lực
lượng tự phát" đó lại phần lớn là những chàng trai, cô gái Thủ đô có nét
mặt khá sáng sủa lành mạnh, nhưng lại được chỉ đạo làm cái việc ngu xuẩn là
ngăn cản và chống phá hành động yêu nước bằng những hành động và cử chỉ cực kỳ
thô lậu và hạ cấp. Tệ nhất là chúng dùng lá cờ Đảng làm mộc che chiêc lư hương
to nơi người dân Hà Nội thành kính dâng nén hương tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn
những liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên.
Lá cờ Đảng cũng được sử dụng làm vật cản che ống kính chụp
ảnh lễ tưởng niệm, cũng là cớ đỏ búa liềm thấm máu bao liệt sĩ hy sinh trong
cuộc chiến đấu không cân sức để vẫy gọi toàn dân đứng lên ấy được những chàng
trai cô gái Hà Nội trắng rẻo, xinh xẻo đã bị biến thành những bộ mặt nhăn nhở,
nụ cười toe toét giằng co, di chuyển như một cuộc chơi bịt mắt mắt dê trước
khuôn viên tượng đài "Chiến sĩ Quyết tử cho Tổ quốc Quyết sinh" .
Tôi những muốn gào lên với Phạm Quang Nghị, bí thư Hà Nội :
"Ông quyết để yên hay hoàn toàn vô cảm trước sự thóa mạ Đảng đến cỡ ấy
sao"?
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa, ông có nhận ra được
rằng đây chính là hành động bôi nhọ Đảng một cách trắng trợn nhất, thâm hiểm
nhất và cũng "hồn nhiên" nhất của những thanh niên, có cả
những đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh do các ông đúc nên cả đấy
thôi.
Không một "diễn
biến hòa bình" hay "tự diễn biến" nào đủ sức công phá vào Đảng
một cách khốc liệt, công khai, có tổ chức, có chỉ đạo đến cỡ này!
Cho nên câu hỏi cần đặt ra một cách bức xúc vào lúc này là
: Ai chỉ đạo bọn côn đồ khoác áo "dư luận viên" này. Ai? Hay không
ai cả? Lời của ông có tên là Phan
Đăng Long, phó ban Tuyên giáo Thành ủy có đáng tin không : Hà Nội có hơn
900 dư luận viên nhưng lực luợng này không bao giờ xuống đường. Đúng không. Hay
lúng túng nen bôi bác nói liều để đến lúc cháy nhà ra mặt chuột thì rồi ê chệ
quá.
Và khi nào là "khi có kết quả sẽ thông tin tới báo
chí" như Giám đốc CA Hà Nội đã tuyên bố. Sau "thông tin" sẽ
là gì nữa thưa các ông, người Thủ đô và nhân dân cả nước đang nghiêm túc chờ
đón câu trả lời. Trong thời buổi internet, trên mạng nhan nhản hình anh những
chàng trai cô gái Hà Nội miệng cuời toe toét xông vào phá đám khi người dân
thắp hương, dâng hoa tưởng niệm liệt sĩ hay bặm trợn côn đồ dùng cờ búa liềm
làm công cụ dập tắt nén hương đang cháy, quật đổ bình hoa, được phơi ra nhan
nhãn khó gì mà không tóm cổ được chúng.
Nói là nói vậy, nhưng xem ra không đơn giản. Vì cả hai sự
kiện, côn đồ phá đám lễ tưởng niệm và thảm sát cây xanh cùng diễn
ra trong một thời điểm rất nhạy cảm, nói theo ngôn từ thời thượng. Nói đơn giản
hơn thì : mùa Xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng Xuân,
và tuổi trẻ lại là mùa Xuân của đất nước. Cả hai câu đơn giản đó đều là
lời của Bác Hồ. Hà Nội lại đang đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh trong năm kỷ niệm 115 ngày sinh. Đây là một hoạt động
văn hóa lớn, có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống của nhân dân Thủ đô, vì
vậy, cũng tác động mạnh mẽ đến nhân dân cả nước, bởi lẽ văn hóa là nền tảng
tinh thần của xã hội. Thế mà, tai ác làm sao người ta lại để xảy ra cùng một
lúc hai sự kiện vô văn hóa tệ hại khó mà nói cho hết sức bục vỡ, bung phá của
chúng.
Cả hai sự kiện đều đi ngược lại truyền thống văn hóa của
ông cha ta, công phá vào nền tảng đạo lý của dân tộc ta.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "mùa
Xuân là Tết trồng cây" chính là Bác đã tuân theo chỉ dạy của ông cha
bao đời. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, trang 225 chép : “Năm 1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây”. Khi bình về chuyện này, GS. Cao Huy
Thuần viết : “Luật của cây cối là: xuân
sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn. Xuân sanh: hãy nhìn một lộc non vừa nhú
lên trong mùa xuân, bao nhiêu là hạnh phúc, bao nhiêu là sức sống. Chặt cây cối
trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống. Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án
tử hình mùa xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao đến mức ấy.”
“Được nâng cao đến mức ấy” tự bao
giờ? Từ cách đây gần 900 năm, non một thiên niên kỷ!
Mà đâu chỉ ở ta. Hãy đọc những câu thơ Nga sau đây :
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng”
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng”
[Thơ
Olga Berggoltz – Bằng Việt dịch]
'Đừng động vào cây, người ta lập luận rằng người, thiên nhiên và các
sinh vật chỉ là những hình thái sống khác nhau. “Sự công bằng buộc chúng ta phải trả, ít nhất là ngang mức ta nhận,
nghĩa là vừa đủ” (Michel Serres). Chẳng những thế, phải đạt tới một quan điểm đạo đức: “Một việc là tốt, là thiện, nếu có khuynh hướng bảo tồn sự toàn vẹn, sự
vững chắc và vẻ đẹp của cộng đồng sinh thái. Một việc là xấu, là ác, nếu trái
lại” (Aldo Leopold)! Và quyết liệt hơn nữa, Lévi-Strauss
nêu lên một triết lý: “phải quan niệm con người một cách khác: đặt
người khác trước tôi. Hơn thế nữa, trước cả những con người phải đặt sự sống”. Triết lý về chủ thể
nhường chỗ cho triết lý về sự sống.
Và thiên nhiên chính là sự sống. Cho nên Lévi-Stauss đưa ra thông điệp: “Cây cối, đó là sự sống, phải tôn trọng sự
sống”.
Nếu phương Tây phải tốn hai
mươi thế kỷ để bắt đầu nhìn thấy những vấn đề vốn nằm trong căn bản của tư
tưởng Phật giáo thì tư tưởng của Phật giáo về thiên nhiên, về loài vật, về
chúng sinh, về sự sống lại hết sức quen thuộc với tâm tưởng của người Việt Nam
chúng ta. Hãy chỉ nói riêng một mệnh đề triết lý của Phật giáo: “hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”.
Khái niệm “chúng sinh” trong đạo Phật
rất rộng, con người cũng chỉ là một chúng sinh. Kinh Phật dạy rằng: “Cây cỏ, đất đá, đồi núi,tất cả yếu tố của vũ
trụ đều có Phật tính”. Tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên,
với chúng sinh là quan điểm xuyên suốt trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Chỉ
những kẻ vô văn hóa, phản văn hóa mới hành động dại dột và ngu muội như ai đó ở
Hà Nội đã chỉ đạo thảm sát cây xanh Hà
Nội. Họ muốn là những người khởi xướng Tết chặt cây sao? Tôi những muốn
hỏi Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hà Nội câu ấy.
Chỉ trong vòng một tháng người
ta đã thảm sát 2000 cây và nếu không có sự phẫn nộ lên tiếng của người Hà Nội
thì số cây sẽ bị thảm sát trong chủ trương đã được duyệt là 6.700 cây phần lớn
là cổ thụ. Hãy nhìn hình ảnh mọt chiếc nơ đính trên chiếc cây sắp bị đốn hạ để
hiểu về nỗi đau Hà Nội, nỗi đau văn hóa. Có phải đây là thêm một hình ảnh
nữa gây xúc động mạnh trong các cư dân
mạng những ngày qua : một người bố trẻ, đã dắt đứa con trai nhỏ thắt chiếc nơ
cho cây trước khi cây bị đốn, để tạm biệt. Và rồi những cuộc xuống đường của
người Hà Nội đang tạo nên một nét mới của Hà Nội báo hiệu một chuyển động mới
của hoạt động xã hội dân sự. Đây mới chính là "hoạt động tự phát"
đích thực. Một nét văn hóa mới đang khởi sắc sẽ giúp làm quang quẻ bớt đi một
thứ văn hóa áp đặt nhồi vào óc, đập vào mắt , nhét vào tai theo kiểu mì ăn liền
không cần động
não, không
cần đến nhịp đập nhanh chậm của trái tim người thụ hưởng văn hóa.
Mong sao cho nét văn hóa này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ lên
để dần xóa đi những nét phản văn hóa mà cái ông Phó ban Tuyên huấn Thành ủy Hà
Nội tên là Long mà tôi đặt ra câu hỏi có tin được lời của anh ta không ở trên,
từng phun ra những câu bất hủ về "cướp có văn hóa", về "chặt
cây không cần phải hỏi dân'. Cũng cái ông có trọng trách tuyên truyền và
giáo dục cho dân Thủ đô ấy giải thích chủ trương bắn pháo hoa của Hà Nội bằng
một tuyên bố dõng dạc rằng :" biết đâu những lúc thưởng thức bắn pháo
hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó".
Phải chăng đây chính là cội
nguồn của cái "vận hạn" của thủ đô trong những ngày tháng ba của mùa
Xuân Hà Nội. Xét cho cùng, chủ trương thảm sát cây xanh và dùng cờ Đảng làm vật
cản người Hà Nội yêu nước thắp hương tưởng niệm liệt sĩ và dùng những con rôbốt
vô hồn nhảy múa quay cuồng trước đài tưởng niệm trong ngày giỗ 64 người đã ngả
xuống biển Đông ở phía chân trời của đất nước quê hương mà chúng lại say sưa
với câu hát
Một bầy tang tình con xít
Ố mấy lội, lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Đôi con mắt ố mấy lim dim...
thì cũng là một đồng một cốt
với nhau cả đấy thôi.
Trong đầu tôi bỗng sôi lên lời cảnh báo của M. Gorki cách đây gần 100 năm,
những năm 1917-1918 vè " cuộc cách
mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng". Chính vì thế, có lẽ giờ đây người ta
mới thấm thía tiếng gào thét của ông “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời
kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”.Vì sao ? Vì, " phải còn nỗ lực rất nhiều để đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm
của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ
dứt của văn hóa..
Vâng, văn hóa.
Khi mà chứng bệnh ngoài da đã chuyển vào trong nội tạng thì sự chữa trị sẽ cực
kỳ cam go. Lời cảnh báo của M Gorki đã từng day dứt nhiều người, trong đó có
Trần Độ khi anh viết "những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và
sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm cay đắng
của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người”. Vì vậy, để giải tỏa được
nỗi niềm cay đắng ấy thì việc phải được
trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa sẽ phải dẫn tới những bước đột phá để mở ra
một chân trời mới, đưa đất nước vững bước đi vào quỹ đạo mới của nền văn minh,
đẩy lại phía sau những trì trệ, lạc hậu và lạc điệu .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét